(ĐSPL) - 19 tuổi, với sự ngây thơ, trong trắng, bà Mỹ không thể hiểu được tại sao mình bị bỏ rơi, khi đã yêu đắm say và hết lòng với người mình yêu. Kết quả của mối tình đầu vụng dại ấy là một bé gái ra đời.
Và đứa con tội nghiệp ấy, hơn 20 năm trời, chưa một lần được rúc đầu vào bầu sữa mẹ, chưa một lần được gọi tiếng “Mẹ ơi!” với người mẹ rứt ruột sinh ra mình…
Quá khứ tìm về
Là một cô gái tỉnh lẻ, nhưng vốn xinh đẹp, giỏi giang, những năm tháng ngồi trên giảng đường trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bà Mỹ được rất nhiều chàng trai để ý. Tuy vậy, bà Mỹ - cô gái 19 tuổi lúc ấy rất ngây thơ, chưa một lần rung động trước bất cứ chàng trai nào cho đến một ngày bà tham gia vào đoàn văn nghệ của trường, ở đó bà đã gặp tình yêu đầu đời của mình, để rồi nhanh chóng lao vào một tình yêu si dại với chàng sinh viên tài hoa tên Vỹ.
Vỹ là tay ghi ta kiêm hát chính trong các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày 20/11, ngoại hình lãng tử cùng những tài lẻ của anh chàng khoa Toán năm cuối đã làm điêu đứng biết bao trái tim thiếu nữ dại khờ trong đó có bà Mỹ. Một vài lần gặp gỡ, một vài câu bông đùa của Vỹ đã khiến Mỹ ngất ngây, choáng ngợp rồi không biết tự lúc nào Mỹ đã si mê đắm đuối chàng trai Hà thành đẹp mã.
Thời gian đầu quen nhau, anh chàng không tiếc gì để chiều lòng cô người yêu nhỏ bé. Từng cử chỉ, lời nói, hành động của Vỹ đều khiến cô gái tỉnh lẻ ngây ngất. Vỹ nói gì cô cũng nghe, dặn gì cô cũng dạ. Mỹ rất tự hào với bạn bè về người yêu tuyệt vời của mình. Còn bạn bè của cô ai cũng tưởng mối tình đầu ngọt ngào của hai người sẽ có kết thúc đẹp. Thế nhưng, lời hứa sau khi ra trường sẽ đưa Mỹ ra mắt bố mẹ của Vỹ mãi mãi không bao giờ được thực hiện…
Khi phát hiện mình có bầu, Mỹ nói với Vỹ chuyện đứa trẻ thì Vỹ gạt phắt đi, anh ta nói cả hai còn quá trẻ, chỉ vài tháng nữa anh ta sẽ ra trường, không thể để đứa bé trở thành vật cản con đường tương lai của cả hai.
Vỹ dỗ ngon ngọt Mỹ đi phá thai, nhưng cô không dám. Vừa hoảng sợ, vừa lo lắng, hơn hết là nỗi ám ảnh đang lớn dần trong tâm trí, cô sợ gia đình sẽ thất vọng khi biết chuyện, sợ bạn bè cười chê, dị nghị, sợ các thầy cô giáo quở trách, khinh khi, sợ ánh mắt dè bỉu, nhạo báng của dư luận, cùng với sự thờ ơ, chối bỏ trách nhiệm của Vỹ, khiến Mỹ đã nghĩ đến cái chết. Cô gái trẻ đã tìm đến cầu Thăng Long, nơi hai người vẫn thường đến dạo chơi sau mỗi chiều tan học, với quyết tâm quyên sinh...
Nhưng nhìn những chiếc xe tấp nập ngược xuôi trên các con đường, những ông bố, bà mẹ đang đón con trở về với niềm vui và sự háo hức, cô thấy lòng mình quặn thắt. Rồi Mỹ nghĩ đến nỗi đau cha mẹ cô phải chịu đựng, những giọt nước mắt của mẹ, nỗi đau xé lòng của cha, và quyền được sống của sinh linh nhỏ bé, đã không cho phép cô nhẫn tâm gieo mình xuống dòng nước lạnh lẽo.
Mỹ quyết định xin bảo lưu một năm với lý do gia đình có việc, cô giấu cha mẹ chuyện mình có bầu và xin nghỉ học, cô về Hà Tây sinh con tại bệnh viện Quân y, nỗi đau một mình vượt cạn cùng với nỗi nhục bị mọi người dè bỉu khi sinh con ở tuổi 19 trở thành nỗi ám ảnh đi theo cô gái suốt những năm tháng về sau.
Hành trình đẫm nước mắt của người mẹ tìm lại con gái sau 20 năm lạc. Ảnh minh họa. |
Nước mắt người mẹ
Sau khi làm thủ tục nhập viện và sinh con, nhìn đứa bé bụ bẫm đang nằm cạnh mình giọt nước mắt cô cứ lăn dài trên má, cô ôm đứa trẻ vào lòng mà ruột đứt từng khúc, cô không thể trở về trường với đứa bé trên tay, cô không có khả năng làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ… Mỹ đành phải trốn khỏi bệnh viện khi đứa bé mới chào đời chưa được một ngày, rời bỏ đứa con thơ còn đỏ hỏn trong nỗi bất lực khiến cô tưởng như mình vừa trải qua mười năm bạo bệnh. Bỏ con gái lại bệnh viện Quân y, cô trở lại Hà Nội tiếp tục học tập với sự dằn vặt, đau khổ, một cô gái chưa qua tuổi hai mươi đã mất hẳn nụ cười và niềm tin vào tình yêu.
Vài năm sau, Mỹ tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc và được đi tu nghiệp nước ngoài ba năm. Trong mấy năm ấy, chưa bao giờ cô quên được bàn tay nhỏ xíu của con gái khi mình nắm trong bàn tay, chưa bao giờ cô quên được giọt máu mình phải cắn răng vứt bỏ, đêm nào cô cũng mơ thấy đứa bé gào khóc gọi mẹ, cuộc sống của cô vì thế chưa một ngày được bình yên.
Sau mấy năm du học nước ngoài, trở về với tấm bằng thạc sĩ trên tay, cô về công tác tại một viện nghiên cứu tại Hà Nội, sau đó một năm cô lấy chồng, đó là người đàn ông cô quen từ hồi còn học bên Pháp, người đàn ông đó hết mực yêu chiều cô nhưng sau vài năm chung sống mãi mà hai người vẫn không thể nào có con. Cô tự nghĩ phải chăng đây là cái giá phải trả cho những bước đi sai lầm thuở đầu đời nông nổi? ám ảnh tội lỗi và nỗi nhớ con da diết cứ lớn dần trong cô theo năm tháng khiến cô héo mòn, vật vã...
Thời gian thấm thoát trôi qua, cô giờ đã là một nhà khoa học có tiếng đồng thời cũng vừa hoàn tất thủ tục ly dị chồng sau mười mấy năm chung sống. Gia đình nhà chồng không thể nào chấp nhận một người phụ nữ “không biết đẻ con” nên ép cô và chồng phải chia tay, dù đau khổ nhưng cô vẫn phải ký vào tờ đơn ly hôn để chồng của mình đi tìm hạnh phúc khác.
Hơn 40 tuổi, cái tuổi chưa phải là xế chiều, nhưng sao bà Mỹ thấy mình như đã đi qua một khúc sông rộng của cuộc đời, “bao hỉ, nộ, ái, ố”, nỗi đau và sự tuyệt vọng, bà đều trải qua. Và giờ đây, nỗi khao khát tìm lại đứa con lưu lạc 20 năm, lại cháy bỏng trong tâm can người mẹ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ thám tử, ông Lương Hiền Duy cùng với các thám tử của mình đã bàn bạc kĩ lưỡng và phân tích tình hình cụ thể đồng thời xem xét các mối quan hệ của mình để chỉ định các thám tử trong công ty lên đường ra Hà Nội điều tra. Thám tử Minh và thám tử Hiếu đại diện công ty bay ra Hà Tây tìm hiểu về ca sinh vào ngày 2/8/1990 tại bệnh viện Quân y. Nhờ một đối tác của Giám đốc Lương Hiền Duy trước đây từng làm trong quân đội, vị này hiện đã về hưu nhưng vì có những năm tháng công tác tốt và được lòng đồng nghiệp nên ông được cho phép trích lục hồ sơ tại bệnh viện Quân y thời điểm 20 năm về trước để tìm thông tin đứa bé. Tia hy vọng đang nhen nhóm bỗng vụt tắt khi trong số hồ sơ lưu trữ tại bệnh viện được tìm thấy khi đó không có người mẹ nào tên Trần Thị Mỹ.
Các thám tử suy đoán, có thể lúc đó người mẹ trẻ đã khai đại một cái tên giả, và vì thời gian đã trôi qua quá lâu, bà không thể nhớ được cái tên giả mình đã khai. Manh mối bây giờ là chỉ còn cách tập trung tìm kiếm tất cả các bác sĩ và hộ lý trực tiếp đỡ đẻ hoặc trực vào ngày 2/8/1990, nhưng việc lật lại hồ sơ của một ca sinh hơn 20 năm trước không phải là điều dễ dàng. Nhờ một y tá tốt bụng, các thám tử đã tìm thấy số hồ sơ ghi chép ca trực năm 1990, tuy nhiên số bác sĩ và hộ lý chịu trách nhiệm trực trong ngày 2/8/1990 lên đến gần hai chục người nhưng tất cả đều đã thay đổi vị trí, có người chuyển viện, người nghỉ hưu, người đã đến thành phố khác làm việc.
(Còn nữa)