+Aa-
    Zalo

    Bà mẹ Hàn Quốc chia sẻ 7 kinh nghiệm xương máu để nuôi con thành tiến sĩ đại học Harvard

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh khiến cả thế giới nể phục khi 6 con của bà đều là tiến sĩ tại đại học Harvard và đại học Yale.

    Bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh khiến cả thế giới nể phục khi 6 con của bà đều là tiến sĩ tại đại học Harvard và đại học Yale. Họ trở thành các giảng viên, hiệu trưởng và chủ tịch của các trường đại học danh tiếng.

    Những người con thành đạt của bà Koh

    Người phụ nữ nuôi dạy 6 con thành tài được tờ New York Time bình luận là: "Gia đình thành công này phải được so với gia đình nổi tiếng Kennedy trong lịch sử Mỹ".

    Bản thân bà Hesung Chun Koh cũng gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, bởi bà ý thức được việc không ngừng học hỏi, mở rộng vốn sống. Và chính sự tài năng, cầu tiến của bà cũng là nguồn cảm hứng cho các con sau này.

    Được biết, thời còn đi học, bà Hesung Chun Koh  nhận được học bổng sang Mỹ. Sau đó bà học tiến sĩ chuyên ngành Nhân học xã hội tại Đại học Boston.

    Bà gặp chồng là tiến sĩ Kwang Lim Koh khi cùng dạy tại Đại học Yale. Cả hai là những giáo sư đầu tiên người châu Á tại trường này. Chồng bà sau này là đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ trong những năm 1960.

    Dưới đây là những bí quyết nuôi dạy con của bà Hesung Chun Koh  khiến cả thế giới ngả mũ thán phục.

    Bố mẹ không cần hy sinh vì con cái

    "Khi mang thai con đầu lòng, tôi cũng giống hầu hết những người bố người mẹ khác, không biết mình sẽ phải chăm sóc và nuôi dạy con như thế nào cho đúng cách và có ích cho xã hội. Rồi tôi nghĩ về cách bố mẹ mình đã dạy mình. Họ là tấm gương tiêu biểu cho việc bố mẹ không nhất thiết hy sinh vô điều kiện vì con cái nhưng con cái vẫn luôn đạt được những thành tựu và sống có ích.

    Bố mẹ tôi luôn cố gắng học tập, mở rộng con đường sự nghiệp, làm giàu vốn sống của bản thân dù ở độ tuổi nào. Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi rất nhiều sau này. Tôi cũng đã áp dụng cách giáo dục này khi dạy các con mình. Tôi không cho chúng tất cả mà chỉ cho những gì thuộc khả năng của mình."

    Dù ít hay nhiều nhưng bố mẹ vẫn là những người yêu thương và một mực muốn bảo vệ, che chở cho con cái mình dù trong trường hợp nào. Bố mẹ luôn muốn con cái được sống hạnh phúc, sung sướng nhưng không có nghĩa là sẽ hi sinh tất cả vì con, chịu kham khổ vì con. Nhưng đó không phải là cách dạy con tốt nhất. Bố mẹ hãy cứ là những huấn luyện viên khuyên răn, hướng dẫn và giúp con tự tin, vững vàng bước vào tương lai làm những gì mình muốn.

    Đừng bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân

    Theo bà Koh bố mẹ muốn dạy con tốt cần nâng cao năng lực bản thân.

    Dù bạn làm nghề gì, cũng cần nỗ lực hết sức để phát triển bản thân. Để nuôi dạy con tốt, đầu tiên chúng ta phải nâng cao năng lực của mình. Người mẹ đóng vai trò quyết định trong gia đình.

    Tôi nhớ khi con vào trung học, tôi phải đối mặt với lựa chọn tiếp tục đi làm hay ở nhà chăm sóc gia đình. Tôi đã chọn tiếp tục sự nghiệp, và thời điểm đó, tôi phải dồn rất nhiều thời gian và sức lực vào công việc. Tuy nhiên, khi con gặp các vấn đề ở trường và cần trò chuyện, khích lệ, tôi chọn ở cạnh con.

    Bố mẹ phải nghĩ về mục tiêu, lên kế hoạch cho cuộc sống của bản thân, sắp xếp thời gian, cải thiện năng lực của mình, từ đó mới có khả năng giúp đỡ và tạo được ảnh hưởng tới những người khác. Đây là cách để chúng ta trở thành tấm gương tốt cho con cái.

    Vợ chồng cần tôn trọng và đối xử tốt với nhau

    Vợ chồng tôn trọng nhau sẽ tạo ảnh hưởng tích cực tới con cái. Vợ chồng thường xuyên cãi nhau chắc chắn sẽ gây các vấn đề cho sự phát triển của trẻ. Khi vợ chồng có khác biệt, cần biết tôn trọng nhau và giao tiếp để tìm hướng giải quyết vấn đề hơn là cư xử thô lỗ, to tiếng.

    Ngoài ra, người vợ cũng cần biết giữ cái uy cho chồng trong vai trò làm bố, cũng như chồng làm sao để con cái luôn yêu kính mẹ. Quá trình dạy bảo con cũng là quá trình phát triển tình yêu thương giữa vợ chồng. Một đôi có cảm xúc tích cực chắc chắn sẽ giáo dục các con thành công hơn.

    Bố mẹ cần lắng nghe con nói

    Gia đình bà Koh khi các con còn nhỏ.

    "Khi con trai thứ hai của tôi làm một dự án nghiên cứu tại trường Y, dù đã nỗ lực hết sức nhưng không được đánh giá cao. Con tôi cảm thấy rất buồn và bất bình vì dự án của mình không xứng đáng như vậy. Khi nghe con phàn nàn bất công rằng "Nhiều bạn khác kém hơn nhưng lại được đánh giá cao", tôi đã khuyên con nếu tự tin về dự án đó và còn thắc mắc thì hãy thử một lần tìm người đánh giá dự án của con, hỏi xem lý do gì họ từ chối, và sau đó tìm cơ hội giải thích những ưu điểm dự án con làm.

    Phàn nàn sau lưng, không ích gì cả. Và sau khi nghe lời khuyên đó, con tôi đã có cơ hội được đánh giá lại dự án. Kết quả cuối cùng khiến cháu rất hài lòng. Không nhiều thì ít, bố mẹ biết lắng nghe và chịu chia sẻ cùng con thật đáng khen. Dù ở tuổi nào đi chăng nữa, con cái vẫn cần "lá chắn" của bố mẹ mỗi lúc yếu lòng".

    Lời khuyên của bố mẹ chí ít là những lần quan sát hay rút kinh nghiệm trong cuộc sống nên chắc chắn đối với con cái, đó là những lời đáng tin cậy. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại cho rằng khoảng cách tuổi tác khiến bố mẹ và con cái không còn sự gần gũi nữa. Trong những trường hợp đó, con trẻ lại tìm đến bạn bè - những người cũng cùng suy nghĩ - để xin lời khuyên.

    Bố mẹ cũng nên "hạ mình" trong một số trường hợp, không thể cứ mãi bảo thủ, cổ hủ được để có cơ hội trò chuyện và lắng nghe tâm sự của con cái. Như vậy, ở các con sẽ có niềm tin mãnh liệt hơn vào bố mẹ. Tất nhiên, chẳng ai hoàn hảo nhưng có bố mẹ là hậu phương, con cái sẽ luôn vững vàng bước vào cuộc đời.

    Khuyến khích con rèn luyện thể chất

    3 tuổi là thời gian bắt đầu cho những “giáo án” rèn luyện sức khỏe của bà Hesung Chun Koh dành cho các con.

    Bà kể con trai lớn sinh ra thể chất kém hơn bạn bè cùng trang lứa. Vì thế, bà luôn cố tìm phương pháp rèn luyện thích hợp cho con.

    “Nghe rất độc đáo nhưng tôi để các con tiếp xúc nước lạnh rất sớm. Đầu tiên là từ cánh tay, sau đó là hai chân và hai tay. Thời gian sau đó, tôi tắm cho các con bằng nước lạnh, bắt đầu từ nhiệt độ 25 độ C, cho tới khi tắm với mức nhiệt 1 độ C. Cách làm này giúp các con ít bị sốt hơn các bé khác”, bà chia sẻ.

    Tạo không khí đọc, học ở nhà

    Hãy để các thành viên thấy rằng học tập là một phần trong cuộc sống hằng ngày của gia đình.

    "Khi chúng tôi mới cưới, trong căn hộ thuê chỉ có một cái bàn học. Nó quá nhỏ để cả tôi lẫn chồng ngồi học. Vì điều kiện kinh tế, chúng tôi không thể mua thêm chiếc bàn khác nên chồng tôi cứ lúc nào rảnh lại tới cửa hàng đồ cũ để tìm. Cuối cùng anh ấy cũng mua được một chiếc chất lượng tốt mà giá rất rẻ.

    Trong nhà tôi, bàn học không phải chỉ là một món đồ nội thất, đó là dụng cụ phục vụ việc học. Bố mẹ chỉ cần để trẻ biết rằng học không chỉ là một việc đặc biệt mà còn là một phần trong cuộc sống. Nếu bố mẹ cũng ngồi vào bàn học, con cái sẽ làm vậy. Rõ ràng nói: "Chúng ta cùng học nhé" sẽ hiệu quả hơn bảo "Con học đi".

    Tôi nói vậy không có nghĩa là tất cả bố mẹ  phải có một chiếc bàn học cho mình trong phòng. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu muốn con làm gì, bạn hãy thực hành trước và điều đó sẽ truyền cảm hứng cho con hơn bất cứ lời nói nào". 

    Dạy con về lòng trắc ẩn

    Từ khi các con còn nhỏ, bà thường kể những câu chuyện về lòng trắc ẩn trong cuộc sống xung quanh.

    “Tôi luôn nói các con rằng bố mẹ cố gắng không phải vì muốn làm ông nọ bà kia, mà là mong giúp đỡ được nhiều hơn nữa những mảnh đời khác nhau,”.

    “Bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần có lòng trắc ẩn, có tình yêu thương. Có như thế, chúng ta mới tạo ra được những bông hoa đẹp cho cuộc đời”, bà Hesung Chun Koh bộc bạch.

    Bà kể đã khóc khi biết cháu gái kêu gọi ủng hộ hàng chục nghìn USD cho chiến dịch quyên góp quỹ giúp đỡ các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

    “Cháu gái tôi rất xinh đẹp, học cũng giỏi. Tôi chưa bao giờ yêu cầu cháu phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Tôi nói cháu cần đọc sách và càng cần ra ngoài thế giới sách vở để hiểu về cuộc sống”, bà Hesung Chun Koh nói thêm.

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-me-han-quoc-chia-se-7-kinh-nghiem-xuong-mau-de-nuoi-con-thanh-tien-si-dai-hoc-harvard-a304662.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan