Một ít mật ong thật hòa với hóa chất và các loại phụ gia thêm chút đường cùng với nước lã, bà lão đã biến thứ hỗn hợp kia trở thành “mật ong rừng”.
Sau quá trình tìm hiểu, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị V. trú tại thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội - "nghệ nhân" làm mật ong giả ngót 30 năm.
Bà cụ V. tự tin: “Tôi bán 30 năm nay chưa bị phát hiện lần nào. Phần vì mình làm giống thật. Mình nắm được nhiều mánh, phần vì tôi già cả, trông có vẻ chân chất, nên ai cũng nghĩ là một bà lão thật thà có chút quà quê. Thành ra họ tin và mua nhiều lắm”.
Theo lời bà cụ này, đa phần mật ong giả được bán ở khu Thanh Xuân Bắc và Hà Đông, nhiều thế hệ người Hà Nội... mê tít.
Hình ảnh bà Hoàng Thị V nấu mật ong giả - Ảnh: báo Lao động |
Nguyên liệu để làm loại mật ong giả gồm có: Đường kính, một ít mật ong thật, một túi bột màu trắng mà bà chỉ giới thiệu chung chung thạch lãnh (hàn the).
Nhiều hộ tiết lộ họ dùng các loại hóa chất tạo màu, tạo mùi và chống đông. Tất nhiên, không thể thiếu thứ nữa là: Nước lã.
Bà V. cũng lưu ý, khi làm mật ong giả xong cần nhớ phủ lên trên gần nắp chai ít mật ong thật để cho người ta... đổ ra và nếm. Bôi ít sáp ong ra ngoài vỏ chai. Thả vào đó mấy con ong chết để làm bình phong đánh lừa người tiêu dùng vô tội.
Vài chục nghìn tiền “nguyên liệu”, sau thời gian nấu chớp nhoáng, 5 chai mật ong “như thật” ra đời. Bán rẻ thì cũng được hơn 1 triệu đồng! Bà móm mém cười. Tôi nhẩm tính, suốt 30 năm lừng danh “thợ nấu mật”, xây nhà, lo giúp con và 9 đứa cháu thế kia, bà V đã thay bọn ong thợ làm ra bao nhiêu nghìn vạn lít mật ong giả? Và người tiêu dùng đã lãnh đủ bệnh tật ra sao?
Hoàng Giang (T/h)