+Aa-
    Zalo

    Bà lang xứ Lạng với 4 kho thuốc cứu cả trăm người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quê gốc ở Kim Bảng, Hà Nam, sau khi đi thoát ly, bà lang Nguyễn Thị Lan (79 tuổi) đã lên sinh sống ở thôn Hồng Phong 2, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

    Quê gốc ở Kim Bảng, Hà Nam, sau khi đi thoát ly, bà lang Nguyễn Thị Lan (79 tuổi) đã lên sinh sống ở thôn Hồng Phong 2, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Bà được mọi người biết đến với biệt tài dùng lá nam chữa được nhiều bệnh như tim, dạ dày, khớp, sỏi thận, trĩ, rối loạn đỉnh đầu sản hậu, viêm màng não trẻ...

    Bà lang xứ Lạng với 4 kho thuốc cứu cả trăm người
    Bà lang Lan cùng chồng đang phơi thuốc.

    Bà lang già với thang thuốc chỉ có 20 nghìn đồng

    Nổi bật trên bức tường sơn màu xanh nhạt trong ngôi nhà ngói nhỏ của bà lang kỳ tài này là rất nhiều giấy khen thưởng dành cho tài năng chữa bệnh của bà do: Hội đồng đông y tỉnh, huyện, xã chứng nhận liên tiếp trong nhiều năm liền. Được học nghề từ người thím ruột vốn là bác sĩ thời Pháp thuộc, bà Lan kể: “Thím không có con nên dành hết tâm huyết, kinh nghiệm y học truyền nghề cho tôi”.

    Mười năm theo thím học nghề, đến 23 tuổi thì bà thoát ly đi làm công nhân Lữ đoàn 330, khoảng thời gian này bà không có dịp được sử dụng những kiến thức về y học nhiều, chỉ thỉnh thoảng chữa những bệnh lặt vặt cho con cái trong gia đình. Đến khi về nghỉ hưu, hai vợ chồng bà Lan dù đã có mức lương hưu cao, con cháu đều là những người có địa vị trong xã hội, nhưng với mong mỏi được giúp đỡ mọi người, bà Lan đã không ngơi nghỉ ngày nào.

    Trong ngôi nhà nhỏ của bà có tới 4 kho thuốc, kho thuốc lớn nhất chính là ngôi nhà cũ của cô con gái bà để lại sau khi chuyển đi nơi khác sinh sống. Số thuốc mỗi lần nhập vào có khi lên đến dăm bảy tấn thu mua từ bà con dân tộc Dao lấy trên rừng về.

    Đối với các bài thuốc nam, để dễ dàng cho việc bảo quản thuốc được lâu thì cần chặt nhỏ phơi khô, nên phải thuê người băm thuốc, hầu như ngày nào bà và chồng cũng không được nghỉ ngơi với cả sân thuốc mà vị nào cũng cần được phơi đều nắng. Không nặng về kinh tế, nên để có được thang thuốc dù rất tốn kém và kỳ công, nhưng bà Lan bán ra chỉ với một cái giá rất tượng trưng là 20 nghìn đồng/1 thang.

    Sau khi lụi cụi nấu cơm ở dưới bếp xong, chồng bà - một người lính già từng tham gia Tiểu đoàn 307 nổi tiếng đã cung cấp thêm những thông tin về bệnh nhân của vợ. Đã ngoài 90 tuổi nên ông bị bệnh nặng tai, mỗi khi nói chuyện phải hét thật to thì mới nghe thấy.

    Thế nhưng, mỗi khi có khách đến nhà lấy thuốc, ông lại là người “trợ lý” đặc biệt của bà. Ông tỉ mẩn ghi lại từng tên tuổi, địa chỉ của người bệnh lấy thuốc, bệnh gì đã lấy được bao nhiêu thang.

    “Người trợ lý” không lương này đưa chúng tôi một cuốn lịch dày, trung bình từ đầu năm đến giờ đã có 270 người đến lấy thuốc, tháng 6 là 16 người, tháng 7, tháng 8 là 27 người, tháng 9 là 25 người… Người bệnh trải khắp cả nước, xa nhất Tây Nguyên, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Ông giải thích thêm: “Phải ghi chép cẩn thận để cuối năm báo cáo với xã, huyện đấy”.

    Những thang thuốc xuất ngoại

    Khi có thời gian nhàn rỗi, bà bắt đầu bốc thuốc cứu người, ban đầu là những người hàng xóm quanh nhà. Còn nhớ, một lần có một thanh niên cạnh nhà bà không may rơi vào chảo đường, bị bỏng rất nặng đã đến nhà bà nhờ giúp đỡ, bản thân bà Lan cũng do dự không dám chắc mình có thể chữa khỏi hoàn toàn.

    Vì thế, trước khi cho bệnh nhân dùng các thang thuốc lá nam, bà Lan đã yêu cầu người bệnh ký vào bản cam kết do hai bên cùng thảo ra. Kết quả thật ngoài sức trông đợi của tất cả mọi người, sau một tháng, người bệnh đã gần như bình phục và đã có thể đi lại đá bóng được.

    Tính đến nay, bà đã có gần 30 năm bốc thuốc, tiếng lành đồn xa chẳng mấy chốc cả huyện vùng núi Bắc Sơn đều biết đến tài bốc thuốc của bà. Trong lúc đang trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Phụng (ở xã Đồng Ý, Bắc Sơn) đến lấy thuốc sản hậu cho vợ cũng góp thêm chuyện: “Ngày trước tôi cũng đã lấy thuốc khớp ở đây cho mẹ tôi, chỉ vài thang là khỏi bệnh mà lại không tốn kém mấy”.

    Số lượng bệnh nhân đến lấy thuốc đông, bà Lan cũng không thể nhớ hết được tên bệnh nhân của mình, bà chỉ loáng thoáng nhớ đến quê quán địa chỉ họ, nhưng chỉ cần họ nhắc đến bệnh tình thì bà lại nhớ rất chuẩn.

    Bà kể, có chị ở Hà Tây, chồng ngã từ nóc nhà xuống bị gãy nhiều xương, bệnh viện trả về chấp nhận làm người tàn phế ngồi một chỗ nhưng sau đôi tháng dùng thuốc của bà, anh đã có thể đi lại giúp vợ làm những việc nhẹ nhàng nấu cơm, quét nhà.

    Hay như ông hiệu trưởng cấp 1, 2 xã Chiến Thắng bị bệnh đường ruột, cổ sưng đau không thể nuốt trôi được thức ăn, bệnh viện cũng đã trả về, đến nhà bà lấy 20 thang thuốc uống thì khỏi bệnh. Riêng bà Vạn (60 tuổi) người trong huyện, cách đây 3 năm bị viêm cầu thận, xuống bệnh viện dưới Hà Nội chữa trị thì các bác sĩ yêu cầu phải thay thận với giá 30 triệu, không có tiền, bà Vạn chấp nhận về nhà đợi Diêm Vương gọi đến lượt mình, nhưng nhờ có 5 thang thuốc của bà Lan mà bệnh tình thuyên giảm đến ngạc nhiên.

    “Giờ bà ấy vẫn đủ sức đi hát then đấy”, bà Lan vui vẻ kể về bệnh nhân của mình. Bà chia sẻ thêm: “Riêng các bệnh liên quan đến khớp, thần kinh tọa, vôi hóa cột sống, tim thì cần mang phim chụp ở bệnh viện đến, bà mới bốc thuốc chính xác được”.

    Không những thế, tiếng tăm của bà lang này còn theo từng gói thuốc nhỏ  xuất ngoại sang tận xứ người trời Tây. Đó là những người dùng thuốc của bà, thấy tốt họ lại gọi điện nhờ người thân ở quê nhà đến cắt thêm thuốc đợi có người sang lại gửi theo cùng.

    Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với bà lang Nguyễn Thị Lan, thôn Hồng Phong 2, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), SĐT: 0163 357 2946 hoặc chị Phan Thị Phượng (cháu bà Lan) ở số nhà 25, ngõ 58/23/33 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội. SĐT: 0986 339 776
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-lang-xu-lang-voi-4-kho-thuoc-cuu-ca-tram-nguoi-a46763.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan