(ĐSPL) – Đại dịch Ebola bùng phát sẽ cần ít nhất 6 tháng mới có thể được kiểm soát, theo tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF).
Tin tức từ BBC, phát biểu tại Geneva, chủ tịch MSF Joane Liu cho biết, tình hình đang “xấu đi nhanh hơn khả năng mà chúng ta có thể đối phó”.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thế giới cần tiến hành “những biện pháp đặc biệt” để dập tắt dịch bệnh. Đại dịch bắt nguồn ở Guinea hồi tháng 2 và sau đó lan sang Liberia, Sierra Leone và Ngeria.
Tính đến ngày 15/8, tổng số người chết đã tăng lên tới 1.145 người, sau khi WHO thông báo có thêm 76 người tử vong trong hai ngày 12 – 13/8. Số ca nhiễm virus Ebola được cho là đã tăng lên 2.127 người.
Dịch bệnh Ebola đang tàn phá các quốc gia Tây Phi. |
Theo chủ tịch Liu, mặc dù Guinea là tâm dịch đầu tiên nhưng giờ đây, các quốc gia khác, đặc biệt là Liberia, đang phải chịu sự tàn phá nặng nề của dịch bệnh.
“Nếu chúng ta không thể bình ổn Liberia, chúng ta sẽ không bao giờ giúp cho cả khu vực này ổn định”, Liu cho biết. Bà Liu cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch sốt xuất huyết Ebola.
“Tất cả các nước cần phải hành động. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ nếu muốn khống chế đại dịch này”, Liu phát biểu.
WHO, tổ chức đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, cho biết nguy cơ lây truyền virus Ebola qua con đường du lịch vẫn còn thấp.
Bệnh virus Ebola là bệnh trên người bị gây ra bởi virus Ebola. Tên này được lấy từ tên con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi mà virus này đã bộc phát lớn đầu tiên vào năm 1976. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 21 ngày. Những người bị nhiễm virus Ebola sẽ xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy thận và suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.