Xích mích ngoại giao giữa Pháp và các nước châu Âu với Mỹ, Anh, Australia đang ngày một leo thang, sau khi 3 nước này bắt tay thành lập cơ chế hợp tác an ninh AUKUS hôm 16/9.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas là một trong những người mới nhất lên tiếng bảo vệ nước Pháp. "Tôi có thể hiểu được sự tức giận của những người bạn Pháp. Những gì đã được quyết định và cách thức mà nó được quyết định đã gây khó chịu và thất vọng nhưng không chỉ riêng với Pháp", ông Maas nói ngày 21/9.
Sau phiên họp kín bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các ngoại trưởng và quan chức Liên minh châu Âu (EU) lần lượt thể hiện sự đoàn kết với nước Pháp.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết khối này "bị bất ngờ" vì AUKUS. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thì nói ông cảm thấy khó hiểu trước động thái của Australia, Anh và Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, tuyên bố không thể có chuyện Mỹ và EU tiếp tục như không có gì xảy ra.
"Một trong những quốc gia thành viên của chúng tôi đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được. Chúng tôi muốn biết điều gì đã xảy ra và tại sao lại như vậy. Do đó, trước hết hãy làm rõ mọi thứ trước khi muốn mọi chuyện như bình thường", chủ tịch EC nêu quan điểm.
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Pháp và Mỹ sau khi Australia chấm dứt hợp đồng đóng tàu ngầm đã ký trước đó với Paris.
Pháp đã đưa ra quyết định triệu hồi đại sứ của mình từ Washington để xem xét lại mối quan hệ giữa các nước.
Việc triệu hồi các đại sứ Pháp do chính Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra. Người phát ngôn của Điện Elysée cho biết “mức độ nghiêm trọng” của tình hình đã dẫn đến phản ứng của tổng thống.
“Ngoài câu hỏi về việc vi phạm hợp đồng và những hậu quả của nó, quyết định này còn phản ánh về mối quan hệ liên minh chiến lược. Hành vi như vậy là không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”, Điện Elysée cho biết.
Pierre Morcos, chuyên gia người Pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: "Hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm cho Australia đóng vai trò quan trọng không gì sánh được với nền công nghiệp quốc phòng Pháp. Nó có thể mang lại sức sống cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này, không kém gì thỏa thuận cung cấp 36 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ hồi năm 2015".
Còn phía Australia thì giải thích, họ quyết định rằng tàu ngầm hạt nhân là sự lựa chọn tốt hơn để đảm bảo lợi thế hàng hải của mình khi nước này công bố một liên minh ba bên mới với Mỹ và Anh (AUKUS).
Mộc Miên (T/h)