+Aa-
    Zalo

    Giới chức Pháp chỉ trích Australia vì hủy hợp đồng tàu ngầm khổng lồ

    (ĐS&PL) - Pháp đã vô cùng thất vọng và giận dữ trước quyết định bất ngờ của Australia khi hủy bỏ một hợp đồng tàu ngầm khổng lồ.

    Tin vui về việc thành lập liên minh quan hệ AUKUS giữa Mỹ-Australia và Anh được chào đón và tung hô rầm rộ bao nhiêu bên kia bờ Đại Tây Dương và ở xứ sở chuột túi thì lại đang gây thất vọng và phẫn nộ bấy nhiêu ở nước Pháp.

    Cụ thể, Thủ tướng Australia đã đơn phương tuyên bố hủy "hợp đồng thế kỷ" trị giá 56 tỷ đô la Australia (43 tỷ USD) mua 12 tàu ngầm của Pháp. Thay vào đó, Australia sẽ đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.

    Phía Pháp ngay lập tức đã bày tỏ sự giận dữ vì quyết định bất ngờ của Australia khi hủy bỏ một hợp đồng tàu ngầm khổng lồ, đồng thời gọi động thái này là một sự vi phạm lòng tin.

    Phát biểu trên đài phát thanh France Info, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố: "Đó thực sự là một hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia, sự tin tưởng này đã bị phản bội. Hôm nay tôi vô cùng tức giận và cay đắng. Đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau".

    “Hai bên đã dành tới 2 năm để đàm phán từ 2014 đến 2016, trong đó Australia muốn có sự tự chủ chiến lược, yêu cầu chuyển giao công nghệ rất nhiều, hợp đồng kéo dài tới 50 năm. Cuối cùng Pháp đã dành được hợp đồng vì đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của họ trong cạnh tranh với các đối thủ khác như Đức, Nhật ở thời điểm đó. Năm 2019, hai bên đã ký thêm thỏa thuận khung, quan hệ đối tác để thúc đẩy nhanh nhất để chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào khoảng năm 2023", ông Le Drian nói. 

    Bộ trưởng ngoại giao Pháp cũng không ngần ngại chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden với quyết định đơn phương và không thể đoán trước này; không khác những gì cựu Tổng thống Donald Trump từng làm. Đó là "một sự đổ vỡ niềm tin".

    Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng gọi sự trở mặt của Australia là "tin tức rất tồi tệ liên quan đến việc giữ lời," đồng thời nói thêm rằng Pháp "sẽ mở to mắt để xem Mỹ đối xử với các đồng minh của nước này ra sao".

    Phát biểu với đài RFI cùng ngày, bà Parly nêu rõ: "Về quan hệ địa chính trị và quốc tế, việc này thực sự nghiêm trọng". 

    Trước đó, hồi tháng 8, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia vẫn tái khẳng định cam kết theo đuổi hợp đồng với những người đồng cấp Pháp.

    Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison bất ngờ thông báo Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia chế tạo 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

    Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho một quốc gia kể từ sau lần chuyển giao cho Anh vào năm 1958.

    Australia là quốc gia biển và sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu, nhưng hiện chỉ có 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Collins được biên chế từ năm 1996. Đây là phiên bản mở rộng của lớp tàu ngầm Type 471 do Thụy Điển phát triển, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.400 tấn khi lặn.

    Mộc Miên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/gioi-chuc-phap-chi-trich-australia-vi-huy-hop-ong-tau-ngam-khong-lo-a453082.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan