Báo Tuổi trẻ dẫn lời anh Nguyễn Đỉnh (quận Tân Bình) vận hành hơn 20 chi nhánh quán đồ ăn xứ Quảng cho biết đã từng kỳ vọng doanh số bùng nổ khi bán hàng online qua ứng dung (app) của các hãng công nghệ và trực tiếp tại quán. Ban đầu, cứ một quán ăn ít nhất anh đăng ký 3 - 4 app giao đồ ăn như Baemin, GrabFood, GoFood, ShoppeFood...
Chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác, trung bình là 25 - 27,5%. Phí này những năm trước chỉ ở mức khoảng 15 - 20%, sau đó tăng dần.
"Ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách.
Mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20 - 30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app. Càng phụ thuộc app, chi tiền khuyến mãi quá nhiều, doanh thu cao nhưng lợi nhuận giảm", anh Đỉnh nói và cho biết đã gỡ bỏ gian hàng trên một số ứng dụng.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia, cho biết là đơn vị lâu năm và đơn hàng có giá trị lớn nên đã đàm phán để có được mức chiết khấu từ 5 - 10%. Tuy nhiên, gần đây nhiều app đòi tăng lên 15 - 20%, thậm chí 25%, nên đơn vị phải giảm giao hàng qua app.
"Kinh doanh khó khăn, lượng đơn hàng giảm 20 - 30% so với lúc tốt mọi năm, giờ lại "nuôi" thêm app với chiết khấu cao nữa thì thật sự khó sống", ông Trường nói.
Ngoài việc lấy tiền chia sẻ doanh thu trên đơn hàng từ các quán ăn, dịch vụ giao hàng của hãng công nghệ còn "ăn" thêm chiết khấu trên đơn của shipper.
Theo đó, tương tự quán ăn, shipper cũng có mức chiết khấu với app từ 20 - 25%. Chẳng hạn, với một đơn hàng vận chuyển giá 16.000 đồng tài xế mất 1/4 số tiền cho hãng, chỉ giữ lại 12.000 đồng, chưa kể chi phí đổ xăng.
Trước tình hình doanh thu cao nhưng lãi mỏng, các cửa hàng phải nghĩ cách tự quảng bá để “giải phóng” mình khỏi các app. Đơn cử như ông Trường đang chủ động xây dựng kênh bán hàng riêng, ưu đãi cho khách như miễn phí vận chuyển khi đặt hàng trực tiếp.
Ông Hà Bình Kha, chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp), cũng cho hay đang tìm cách kéo khách về bằng cách tăng giá 10% nếu đặt qua app, giảm giá bán khi mua tại cửa hàng, miễn phí giao hàng...
Đại diện một app giao thức ăn cho hay phải liên tục "bơm tiền" đầu tư công nghệ và vận hành hệ thống. Nhưng sau thời gian kỳ vọng bùng nổ, thực tế sức mua giảm mạnh, doanh thu sụt giảm rất mạnh từ đầu năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu, nhận định khi chiếm được thị phần, doanh nghiệp công nghệ luôn tìm cách thu tiền, nhất là với các nhà hàng, quán ăn bị lệ thuộc vào app.
Theo các chuyên gia, hiện giá xăng dầu, vật giá tăng cao là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng. Tuy nhiên, các app cần san sẻ, cân đối lợi nhuận ở mức vừa phải để hỗ trợ tài xế và khách hàng, chuẩn bị cho hành trình lâu dài.
Theo báo Vietnamnet, nghiên cứu thị trường của Q&me hồi đầu năm 2022 cho thấy, các dịch vụ giao đồ ăn trở nên ngày càng phổ biến khi có tới 83% sử dụng các dịch vụ giao hàng đồ ăn/thức uống. Trong số các khách hàng này, 77% có sử dụng ít nhất một ứng dụng giao hàng trên điện thoại. Grab, ShopeeFood, Baemin và Gojek là những ứng dụng giao nhận đồ ăn phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường giao đồ ăn trực tuyến cũng đối diện với thách thức lớn, đó là sự phát triển bền vững khi thị trường hiện nay được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi khốc liệt giữa các ứng dụng công nghệ. Đây là ý kiến được ông Jinwoo Song, Tổng Giám đốc của Baemin Việt Nam đưa ra.
Theo đó, việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn. Nhưng điểm bất cập của việc chú trọng vào mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.
Vân Anh(T/h)