Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vừa tiếp nhận 20 người bị ngộ độc thực phẩm. Các bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần và mất nước.
Dân việt đưa tin, 20 người ở bản Bằng Mồn, xã Bó Sinh (Sông Mã) đã phải nhập viện vào hồi 4h sáng ngày 23/7 sau khi ăn giỗ tại nhà ông Vì Văn Inh người cùng bản vào tối ngày 22/7. Trong các món ăn có thêm món tiết canh. Hầu hết những người ăn tiết canh sống ngay sau khi ăn đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và đi ngoài.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã tiếp tục kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân bị ngộ độc - ảnh Dân việt. |
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Sông Mã, qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, xác định số bệnh nhân trên bị ngộ độc là do ăn tiết canh sống. Ngay sau khi tiếp nhận số bệnh nhân, Bệnh viện đã kịp thời cấp cứu, đến 9h cùng ngày thì toàn bộ số bệnh nhân đã tỉnh táo, đã có 1 người được ra viện, hiện 19 bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được điều trị.
Hầu như năm nào cũng có những trường hợp ngộ độc do ăn thức ăn sống như tiết canh, gỏi hải sản, nem thịt sống. Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm luôn chiếm từ 1/3 đến ½ số bệnh nhân tại Trung tâm.
Theo TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bất cứ thức ăn nào cũng có thể gây nên ngộ độc. Từ bánh mì pate, thịt xiên nướng đến dưa muối, cà muối, nước đá… cũng khiến người dùng bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc thực phẩm vào nhập viện.
Do vậy, đối với các loại thực phẩm mùa hè cần đặc biệt chú ý ăn chín, uống sôi, tránh ăn các loại thực phẩm tái, gỏi, muối xổi (như cà, dưa…), các loại nem chua, nem chạo, nem tai… Để tránh tình trạng ngộ độc tập thể, các bếp ăn tập thể như công trường, bếp cơm bụi, thức ăn đường phố nguồn gốc thức ăn phải đảm bảo, nơi chế biến sạch sẽ, nguồn nước sạch, có thớt dành cho thịt sống, thịt chín riêng…
Tổng hợp