Công dụng của nấm
Theo VTC News, nấm là loại nguyên liệu nấu ăn có hương vị thơm ngon mà không có natri hoặc chất béo. Các loại nấm phổ biến thường được sử dụng: Nấm hương, nấm mỡ, nấm mỡ trắng, nấm sò, nấm kim châm, nấm maitake,…
Bảo vệ tim
Trang tin The Health Site cho biết, nấm có khả năng làm giảm cholesterol và giúp giảm cân. Nấm chứa các dưỡng chất có thể ngăn chặn tế bào dính vào thành mạch máu, góp phần ngăn chặn mảng bám hình thành trong các động mạch của bạn. Nó cũng giúp điều hòa mức huyết áp và thúc đẩy sự lưu thông máu. Đây là những yếu tố cần thiết để có một trái tim khỏe mạnh.
Chống ung thư
Một số loại nấm có đặc tính chống ung thư tuyệt vời. Ăn nấm thường xuyên giúp bảo vệ các tế bào của bạn chống lại nguy cơ tổn hại ADN. Nó cũng ức chế sự hình thành các khối u.
Vì vậy, nếu bạn muốn giảm nguy cơ ung thư, hãy biến loại thực phẩm này thành một phần trong chế độ ăn uống hằng ngày của bạn.
Phụ nữ ăn nấm sẽ giảm ung thư vú, nam giới ăn nấm sẽ giảm thiểu ung thư tuyến tiền liệt, nấm còn ngừa ung thư và giảm phóng xạ…
Hạ huyết áp
Nấm cung cấp nguồn giàu kali dồi dào, với tác dụng giảm tác động tiêu cực mà natri có thể gây ra đối với cơ thể. Kali cũng làm giảm căng thẳng trong mạch máu, có khả năng giúp giảm huyết áp.
Nguồn cung cấp vitamin D và kẽm dồi dào
Nấm cung cấp lượng vitamin D dồi dào, một thành phần quan trọng đối với sức khỏe hệ miễn dịch và xương.
Nấm mỡ là một nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp chất kẽm - nguyên tố vi lượng thiết yếu cho hệ thống miễn dịch và cũng cần thiết để đảm bảo sự phát triển tối ưu ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Tăng cường hệ miễn dịch
Tác dụng chống viêm của nấm đã được chứng minh, giúp cải thiện đáng kể, hiệu quả hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu cũng phát hiện ra, nấm giúp kích thích các vi mô trong hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng đánh bại các dị vật và khiến bạn ít mắc các bệnh nghiêm trọng hơn.
Những người không nên ăn nấm
Theo thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống, thống kê cho thấy 95% ngộ độc nấm là do nhầm lẫn, không phân biệt được nấm lành và nấm độc và 5% do chủ quan của người ăn nhầm nấm bị biến chất, hư hỏng trong quá trình bảo quản. Đun, nấu, đông lạnh hoặc chế biến đều không làm giảm độc tính của nấm.
Trẻ em, người già yếu, suy nhược thường dễ bị ngộ độc hơn những người trẻ khỏe mạnh.
Các độc chất trong nấm có nhiều loại, thường là gây kích ứng đường tiêu hóa, hủy hoại tế bào gan, thận, làm tê liệt thần kinh.
Đặc biệt, với những người khi uống rượu kèm ăn nấm thì nguy cơ ngộ độc rượu tăng lên vì sự tích tụ quá cao của lượng aldehyd trong máu, gây cảm giác nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đánh trống ngực và khó thở, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, những người tì vị hư nhược, khi ăn hay đầy bụng, chậm tiêu, đại tiện lỏng, phân nát thì không nên dùng.
Nếu sau khi ăn nấm mà bị nôn mửa, toàn thân mệt mỏi, đi tiêu nhiều lần trong ngày thì đó là triệu chứng ngộ độc, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí nhanh chóng và kịp thời. Để lâu mức độ ngộ độc nặng hơn có thể trụy tim mạch hoặc tử vong.
Nguyễn Linh(T/h)