Anh D. được gia đình nấu cho món canh đắng với mật cá trắm ăn để chữa bệnh, thế nhưng sau khi ăn anh đau bụng quằn quại, phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 17/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.D (37 tuổi, Tuyên Quang) vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng quằn quại vùng quanh rốn, thượng vị; nôn nhiều, nôn ra dịch vàng nâu, bụng chướng nhẹ, ấn thượng vị đau.
Theo người nhà bệnh nhân, 1 tiếng sau khi ăn mật cá trắm nấu canh đắng vào buổi trưa, anh D. bắt đầu đau bụng quanh rốn, nôn ra thức ăn và một thứ dịch màu vàng nâu, kèm theo đại tiện phân lỏng liên tục. Gia đình đã nhanh chóng đưa nam bệnh nhân đến cấp cứu.
Nam bệnh nhân ngộ độc vì ăn mật cá trắm. Ảnh: VTC News |
Người nhà anh D. cũng cho biết thêm, đây không phải lần đầu anh D. ăn mật cá trắm. Trước đó, anh D. đã thường xuyên sử dụng món ăn này như một vị thuốc để chữa bệnh nhưng đây là lần đầu tiên có biểu hiện bất thường.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chỉ định cho anh D. rửa dạ dày cấp cứu, sau đó làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyển khoa Hồi sức Cấp cứu theo dõi điều trị.
Theo bác sĩ, ăn uống mật cá trắm là đưa vào cơ thể một lượng lớn chất có thể gây rối loạn chuyển hoá các bộ phận cơ thể, gây độc, đặc biệt đối với thận và gan.
Sau khi uống mật cá trắm 2 - 3 giờ, các triệu chứng ngộ độc sẽ bắt đầu xuất hiện. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy rất nhiều. Nặng hơn là xuất hiện tình trạng tiểu tiện ít, phù do suy thận cấp. Có những trường hợp rất nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và mất mạng.
Các bác sĩ cảnh báo, đây là một bài thuốc truyền miệng nguy hiểm chết người. Do vậy, người dân không nên dùng mật cá trắm để chữa bệnh.
Đồng Trang (T/h)