UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh sách 334 phương tiện vận tải đề nghị giảm 50% giá vé khi qua BOT T2, gồm: xe tải, xe hợp đồng, xe taxi.
TTXVN cho biết, ngày 29/5, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh sách các phương tiện vận tải được miễn, giảm phí đường bộ khi đi qua Trạm thu phí T2 (viết tắt là BOT T2, thuộc khu vực phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) theo quy định.
Theo đó, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh sách 334 phương tiện vận tải đề nghị giảm 50% giá vé gồm: xe tải, xe hợp đồng, xe taxi khi qua BOT T2. Các phương tiện được đề nghị giảm 50% giá vé qua BOT T2 thuộc các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh An Giang như: Hợp tác xã Vận tải Thủy bộ Đoàn Kết (6 phương tiện); Công ty TNHH một thành viên dịch vụ - vận tải - thương mại Dũng Hải Toàn; Hợp tác xã vận tải KT; Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Thiên Anh - Taxi Châu Đốc; Công ty cổ phần Ánh Dương VN - Vinasun taxi; Mai Linh An Giang - Taxi Mai Linh; Công ty TNHH dịch vụ vận tải Sao Đỏ - Taxi Sao Đỏ và Công ty TNHH một thành viên SG Thương Tín.
UBND tỉnh An Giang cũng giao cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh cung cấp danh sách 334 phương tiện được miễn, giảm theo quy định đến Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang để làm cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định.
334 phương tiện vận tải được đề nghị giảm 50% giá vé khi qua BOT T2. Ảnh: Thanh niên |
Trước đó, theo phản ánh của Báo An Giang, sau khi cầu Vàm Cống khánh thành, nhiều tài xế đã dừng phương tiện tại BOT T2 để phản ứng việc thu phí bất hợp lý của trạm này. Sáng 23/5, các địa phương còn ra “tối hậu thư” trong vòng 15 ngày phải có giải pháp xử lý bức xúc tại trạm thu phí “cố tình đặt sai vị trí này”.
Trao đổi với báo chí thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang, cho rằng, quy định về vị trí đặt trạm, mức thu, hình thức miễn giảm là thẩm quyền của Chính phủ và Bộ GTVT, công ty chỉ là “đơn vị thừa hành”. Do đó, trạm BOT T2 vẫn tiếp tục thu phí và thực hiện miễn, giảm cho các phương tiện qua trạm theo hướng dẫn trước đây của Bộ GTVT
Ngày 25/5, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ tạm dừng thu phí tại Trạm BOT T2 trong thời gian ngắn để tính toán phương án giảm giá rồi tiến hành thu lại.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91 và 91B theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Dự án có BOT T2 trạm thu phí là BOT T1 đặt tại quận Ô Môn và trạm BOT T2 tại quận Thốt Nốt. Tài xế sử dụng tuyến QL 91 và 91B từ Cần Thơ đi An Giang, nếu mua vé tại trạm BOT T1 thì sử dụng chính vé này qua trạm BOT T2 và ngược lại. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, với mức thu phí ôtô từ 35.000 – 200.000 đồng/lượt tùy vào phương tiện.
Vũ Đậu(T/h)