(ĐSPL) - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Amway Việt Nam và phát hiện rất nhiều sai phạm.
Kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Amway không xuất trình được bằng chứng chứng minh rằng Công ty đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công Thương đối với các lần sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần thứ 3 (Cà Mau, Đồng Nai, Khánh Hòa…), lần thứ 4 (Bình Phước, Cà Mau, Kon Tum, Long An….), lần thứ 5 (Bình Định, Bình Dương, Lào Cai, Long An, Hòa Bình, Hưng Yên…), lần thứ 6 (Gia Lai, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Ninh Thuận…), lần thứ 7 (Bắc Kạn, Bình Định, Bình Dương, Gia Lai, Hải Dương, Lâm Đồng, Lạng Sơn...). Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BCT.
Công ty thực hiện đào tạo kiến thức cơ bản cho nhà phân phối thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến tại website www.welcome2amway.com nhưng chưa có biện pháp chặt chẽ để đảm bảo nhà phân phối theo dõi và nắm bắt toàn bộ nội dung đào tạo cơ bản.
Công ty vận hành các website thương mại điện tử bán hàng gồm www.bodykey.vn, www.nutrilite.com.vn và www.hotro.phonghopamway.com.vn, đồng thời cho phép nhà phân phối đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua website amway2u.com.vn. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty đang tiến hành thủ tục bổ sung hồ sơ để Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương phê duyệt.
Các sản phẩm của công ty đa cấp Amway. |
Để làm rõ vấn đề này Phóng viên đã liên hệ tới Công ty TNHH Amway Việt Nam. Ông Bùi Khánh Nguyên – Giám Đốc Đối Ngoại Amway Việt Nam cho biết, Bộ Công Thương vừa công bố kết quả thanh tra hoạt động bán hàng đa cấp 2016 đối với hai công ty là Amway và Thiên Ngọc Minh Uy. Ngay sau đó, một số báo chí khi đưa tin đã nhầm lẫn, đưa một số kết luận của Thiên Ngọc Minh Uy thành của Amway. Việc nhầm lẫn này, theo Amway Việt Nam, gây thiệt hại lớn về danh tiếng cho công ty Amway.
Amway khẳng định việc nỗ lực tuân thủ quy định pháp luật Nhà nước về bán hàng đa cấp, cụ thể là Nghị định 42 của Chính phủ. Công ty đã được Sở Công Thương Tỉnh Đồng Nai cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp số 47-02-000001 ngày 29/11/2006 theo Nghị Định 110/2005/ND-CP và được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 002/QLCT-GCN ngày 17/10/2014 theo Nghị định 42 để được phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc và thực hiện nghĩa vụ thông báo hoạt động đến 63 tỉnh thành. Sau mỗi lần sửa đổi giấy phép, công ty đều đã thực hiện việc thông báo bổ sung tới 63 tỉnh thành tại Việt Nam.
Chia sẻ thêm về kết luận công ty Amway chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tới các địa phương, đại diện công ty cho biết: “Amway đã gửi thông báo bằng thư bảo đảm tới 63 sở công thương cho cả 7 lần thông báo sửa đổi bổ sung giấy phép bán hàng đa cấp, tổng cộng là 441 thông báo theo quy định của Nghị định 42, tuy nhiên số lượng phản hồi và ra văn bản tiếp nhận thông báo của một số địa phương là không đầy đủ. Một số địa phương đã giữ quan điểm, “cấm bán hàng đa cấp” tại địa phương mình. Điều này là chưa đúng với tinh thần của luật hiện hành và thể hiện sự phân biệt đối xử với bán hàng đa cấp vốn đã được Việt Nam thừa nhận và bảo vệ trong Luật cạnh tranh”.
Theo trích dẫn từ nội dung “Báo cáo cho Bộ Công Thương về Thông báo Hoạt động BHĐC tại 63 Tỉnh thành” của công ty Amway, có một số bất cập như sau:
“Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Công ty đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tổ chức hoạt động BHĐC tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Điều 17 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Trong số 63 tỉnh, thành phố Công ty thực hiện thông báo hoạt động, có 6 Sở Công Thương có tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động nhưng không ban hành xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động và một Sở Công Thương từ chối tiếp nhận hồ sơ thông báo.
Căn cứ Điều 17, Nghị Định 42/2014/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ thông báo hoạt động BHĐC, thông báo sửa đổi bổ sung, Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo của mình. Đề Nghị Bộ Công Thương có chỉ đạo kịp thời hoặc biện pháp xử lý đối với trường hợp này để tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.”
Phía công ty Amway cũng cho biết: “Hiện nay Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định mới thay thế nghị định 42 trong đó có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập trên thực tế, cụ thể như doanh nghiệp bán hàng đa cấp được phép thực hiện đào tạo cơ bản trực tuyến/online, hoặc sở công thương địa phương có nghĩa vụ xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, … . Quan điểm của nghị định là không cấm hoạt động bán hàng đa cấp, mà phải tìm cách quản lý tốt ngành này, vì bán hàng đa cấp chân chính không phải là nguyên nhân của những vấn đề của ngành, mà việc cơ quan quản lý phân biệt rõ giữa công ty bán hàng đa cấp chân chính với bất chính mới là giải pháp thực sự để ngành phát triển.”
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Nghị định sửa đổi xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, thương nhân bán hàng đa cấp trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi nêu trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |