+Aa-
    Zalo

    Ám ảnh kiến ba khoang có độc tố gấp 15 lần rắn hổ mang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày qua, khoa Khám bệnh của bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do dịch tiết ra của kiến ba khoang.

    Những ngày qua, khoa Khám bệnh của bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do dịch tiết ra của kiến ba khoang. Đặc biệt, có những trường hợp 3 - 4 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng mới vào viện nên rất dễ gặp biến chứng.

    Cuộc sống đảo lộn vì kiến

    Trên mạng xã hội một nhóm cư dân ở khu đô thị Hoài Đức (Hà Nội) liên tục chia sẻ về chủ đề “kiến ba khoang hoành hành”, kèm theo đó là hình ảnh có nhà bắt được rất nhiều kiến và những chia sẻ kinh nghiệm tiêu diệt loại côn trùng này. Chị Nguyễn Hảo cho hay: “Từ khi chuyển về đây sinh sống, tôi mới biết đến loại kiến ba khoang có độc tố gấp 15 lần nọc độc rắn hổ mang”.

    Theo lời chị Hảo, gia đình ở tầng 13, có một phòng để ban thờ riêng thì cứ tầm 19h là kiến bắt đầu xuất hiện: “Kiến bâu đầy ở chén nước trên ban thờ. Loài kiến này cứ thấy chỗ nào có ánh sáng là bay vào. Vì thế, gia đình tôi buộc phải đóng kín cửa các phòng ngủ”.

    Không những vậy, các con chị đôi lần hiếu kỳ đụng phải kiến ba khoang nên bị dính nọc độc ở tay, chân. “Tôi đã dặn các con là khi nhìn thấy kiến phải tránh xa, nhưng vẫn không tránh khỏi việc đáng tiếc”, chị Hảo nói.

    Trong khi đó, chị Linh (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự hối hận: “Tôi thấy có con gì đó bò giống kiến, nghĩ nó chỉ là kiến bình thường nên dùng tay xử lý. Do không sát khuẩn đã cho tay lên cổ gãi, kết quả là cổ bị nổi mẩn ngứa phát ban, loang lổ và phải bôi thuốc, nghỉ việc ở nhà điều trị”.

    Nhắc đến kiến ba khoang, không ít người cũng bày tỏ sự ái ngại. “Ai mà dính dịch tiết của kiến ba khoang thì sợ lắm, ngứa ngáy, phồng rộp khắp người. Chỉ mong làm sao diệt được hết loài này, sợ nhất là trẻ con không may đụng phải”, anh Nguyễn Văn Linh (Hoài Đức) cùng phản ánh.

    Những lầm tưởng khi diệt kiến ba khoang gây hại

    Trước thực tế kiến ba khoang xuất hiện nhiều, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Quách Thị Hà Giang - Phó Trưởng khoa Khám bệnh (bệnh viện Da liễu Trung ương).

    Theo đó, BS. Hà Giang cho biết trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca bệnh liên quan đến kiến ba khoang, có ngày vị BS này phải khám cho 10 bệnh nhân.

    “Kiến ba khoang là một loại côn trùng cánh cứng, có hình dạng giống kiến với các khoang đỏ đen. Kiến ba khoang gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân thời gian qua không phải do bị đốt mà là do dính phải dịch tiết ra. Trong dịch có độc tố, khi dính vào da gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Theo một số nghiên cứu, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin là loại độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ mang. Tuy nhiên do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chỉ gây tổn thương da.

    BS. Hà Giang cho rằng khi xuất hiện tổn thương, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.

    Do đặc tính sinh học, kiến ba khoang có ở những nơi nhiều cây cối hoặc đồng ruộng, ao hồ, công trình xây dựng. Gần đây vào mùa gặt, thời tiết mưa ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho kiến ba khoang phát triển mạnh. Vì không có nơi trú ngụ nên chúng theo gió, theo ánh đèn bay vào nhà dân”, BS. Hà Giang thông tin.

    Là một trong những bệnh nhân đến bệnh viện Da liễu Trung ương được BS. Hà Giang thăm khám, anh N.V.T. cho biết: “Cuối tuần trước, tôi không may nằm đè vào kiến ba khoang. Tôi tự ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi nhưng triệu chứng phồng rát không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Vì thế, tôi mới đến bệnh viện da liễu để kiểm tra, từ hôm qua đến nay rất khó di chuyển, tôi đã phải nghỉ làm vài ngày để điều trị”.

    Nói về tình trạng của bệnh nhân T., BS. Hà Giang chia sẻ: “Cách đây hai ngày, bệnh nhân N.V.T. thấy đau rát vùng chân và xuất hiện mụn nước. Bệnh nhân ở nhà có tự ý sử dụng thuốc bôi, tuy nhiên vết thương lan rộng hơn và không biết cách xử trí nên xuất hiện những tổn thương quanh khu vực bị phồng rộp”.

    Theo BS. Hà Giang, các bệnh nhân bị tổn thương do kiến ba khoang thường đến viện sau 3 - 4 ngày có triệu chứng, khoảng thời gian này là muộn nên dễ bị biến chứng.

    “Những ngày qua, tôi cũng thăm khám cho một gia đình cả 3 mẹ con đều bị tổn thương do kiến ba khoang, hoặc hai bố con đến khám trong tình trạng viêm da tiếp xúc. Đa số các bệnh nhân khi đến viện đều trong tình trạng nhầm tưởng là bị bệnh zona, có bệnh nhân dùng lá đắp hoặc dùng gạo nhai đắp vào vết thương. Bằng những cách dân gian này, bệnh không những không thuyên giảm mà còn bị biến chứng lan rộng ra các vị trí khác. Có rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng, gây bội nhiễm làm cho tổn thương lâu lành, thậm chí có thể để lại sẹo”, BS. Hà Giang cho biết.

    Trước việc nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh zona và tổn thương do kiến ba khoang, BS. Hà Giang thông tin thêm, zona là bệnh về da do virus, thường gây đau, nhức nhiều và xuất hiện mụn nước, mọc thành từng chùm theo sự phân bố của dây thần kinh và một bên cơ thể.

    Còn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang khiến cơ thể người bệnh đau rát, tổn thương thành từng vệt, rát đỏ. Bệnh thường gặp ở vùng da hở, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Nếu được điều trị kịp thời sau một tuần sẽ hết, còn điều trị muộn gây tổn thương da, để lại sẹo nhiều tháng mới hết.

    Vị bác sĩ này cũng đưa ra khuyến cáo: “Khi người dân thấy có kiến ba khoang, đầu tiên nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót và tuyệt đối không được chà xát, đập kiến để dịch độc tiết ra. Không may tiếp xúc phải dịch của kiến, cần rửa dưới vòi nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng để giảm nhẹ độc tố. Khi xuất hiện những tổn thương thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám, điều trị kịp thời”.

    Đồng thời, vị bác sĩ này cũng khuyên người dân không tự ý điều trị bằng những phương pháp như đắp đậu xanh, nhai gạo sống đắp vào vết thương hoặc có các bài thuốc dân gian để trị tổn thương do kiến ba khoang gây ra.

    Thanh Lam
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (161)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-anh-kien-ba-khoang-co-doc-to-gap-15-lan-ran-ho-mang-a342012.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan