Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là dạng u vú ác tính. Một khối u có thể là lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Đa số các trường hợp ung thư vú bắt đầu từ các ống dẫn sữa, một phần nhỏ phát triển ở túi sữa hoặc các tiểu thùy. Ung thư vú nếu phát hiện và điều trị muộn có thể đã di căn vào xương và các bộ phận khác, đau đớn sẽ càng nhân lên.
Ai có nguy cơ mắc ung thư vú?
Theo BS CKI Đàm Thu Nga trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Phụ nữ trên 50 tuổi;
- Trong gia đình có mắc bệnh ung thư vú;
- Bản thân có ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung;
- Đái tháo đường sau mãn kinh;
- Ăn nhiều chất béo, uống rượu và hút thuốc thường xuyên;
- Béo phì (đặc biệt sau thời kỳ mãn kinh)...
Ở giai đoạn đầu, ung thư vú hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Do đó chị em phụ nữ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nên tự theo dõi kiểm tra vú và khám sức khỏe định kỳ.
Khi thấy khối u hay bất cứ sự thay đổi nào của vú, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Một số dấu hiệu giúp nhận biết ung thư vú
- Có cảm giác đau tức ở vú: Đau cả trong những ngày ngoài chu kỳ kinh nguyệt. Quan sát thấy một phần hoặc toàn bộ vú to lên bất thường
- Nổi u cục ở vú: Thấy u cục nổi ở trong vú giống như những viên sỏi nhỏ. Đôi khi thấy xuất hiện hạch ở hố nách
- Thay đổi ở da: Thường gặp nhất là da bị dính, có dạng như "lúm đồng tiền"
- Thay đổi hình dạng đầu núm vú: Khi khối ung thư xâm lấn gây co kéo đầu vú nên xuất hiện tình trạng lệch đầu vú, đầu vú teo và lõm xuống, hai đầu vú không cân đối.
- Chảy dịch ở núm vú, có thể dịch có máu
- Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ: Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với tổn thương dây chằng, viêm xương khớp.
- Vú bị đỏ và sưng: Nhiều người trải qua các triệu chứng như ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau… thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú viêm.
Các giai đoạn của ung thư vú
- Giai đoạn 1: Giai đoạn này ung thư vú có kích thước nhỏ từ 2cm và các hạch bạch huyết chưa bị ảnh hưởng. Nhưng không phát hiện được thì khối u tiến triển sẽ xuất hiện khối u ở vú và khối u tại các hạch bạch huyết ở nách.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn này ung thư vú tiến triển các khối u có kích thước lớn hơn và có thể chưa lây lan sang các hạch bạch huyết hoặc sang các hạch nách. Giai đoạn đầu khối u xuất hiện chưa đến 4 hạch bạch huyết chưa lan tới bộ phận khác. Ở cuối giai đoạn 2 hay còn gọi là 2B khối u tiến triển có kích thước to hơn và sẽ tìm thấy các cụm tế bào ung thư trong hạch bạch huyết, ở nách hoặc gần xương ức.
- Giai đoạn 3: Nếu phát hiện bệnh ung thư vú ở giai đoạn 3, thì các khối u trong cơ thể đã lan rộng có thể từ 4 – 9 hạch bạch huyết ở nách hoặc phù các hạch bạch huyết bên trong vú.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn này được xem là giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Khi đó, các tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến nhiều cơ quan trong cơ thể người bệnh. Thông thường khi mắc ung thư vú sẽ di căn đến xương, não, phổi và gan, theo BS Phương Thúy chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống.
Chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư vú
Thực phẩm nên hạn chế sử dụng
Đồ uống chứa cồn như rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể, gây tổn hại cho tế bào bình thường, từ đó ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và làm trầm trọng hơn tình trạng ung thư. Hơn nữa, sử dụng rượu bia quá mức được coi là nguyên nhân làm suy giảm tinh thần cũng như hoạt động của não bộ, khiến cơ thể mệt mỏi, mất tỉnh táo và dễ dẫn tới nhiều hậu quả khôn lường như không kiểm soát được hành động, cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng khi điều trị bệnh...
Các thực phẩm chứa lượng đường lớn cũng không nên dùng. Điều này không có nghĩa là bạn phải loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm có chứa lượng đường cao trong chế độ ăn uống của mình, song cách tốt nhất bạn nên dùng với một lượng vừa phải. Theo các chuyên gia, mỗi ngày nam giới có thể tiêu thụ khoảng 37,5 g đường và phụ nữ tiêu thụ khoảng 25 g đường.
- Đồ ăn sẵn, đồ ăn đóng hộp tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khỏe, do trong các loại thịt chế biến sẵn luôn chứa hàm lượng cao muối, chất béo, các chất bảo quản, nên hạn chế sử dụng.
- Hạn chế thực phẩm có chứa nhiều chất béo. Không phải tất cả chất béo đều xấu đối với sức khỏe, song một số loại có thể làm thúc đẩy sự tăng trưởng, di căn của tế bào ung thư vú. Điển hình như chất béo chuyển hóa, được tìm thấy trong các loại thực phẩm đã được chế biến hoặc làm sẵn, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của tế bào ung thư vú. Chất béo chuyển hóa thường có trong một số loại thực phẩm chế biến sẵn như: khoai tây chiên, bánh quy, bánh rán, bánh ngọt đã được đóng gói, người bệnh nên hạn chế dùng.
Thực phẩm nên dùng
- Bệnh nhân ung thư vú nên sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Theo các chuyên gia y tế, nồng độ hormone estrogen dư thừa có thể là yếu tố làm tăng khả năng phát triển và di căn của ung thư vú. Các chất xơ trong thực phẩm làm giảm tác dụng của estrogen tới tế bào ung thư và đẩy nhanh quá trình loại bỏ estrogen dư thừa. Chất xơ còn giúp hệ thống tiêu hóa dễ dàng đào thải các chất độc hại, chất cặn bã ra ngoài cơ thể, từ đó, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Chất xơ và chất chống oxy hóa có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm như cải xoăn và bông cải xanh (súp lơ xanh); trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng như bưởi, cam, quít...; tỏi; trà xanh; các loại củ như cà rốt, khoai tây... hoặc ngũ cốc nguyên hạt.
- Thứ hai là thực phẩm chứa chất béo không bão hòa, như dầu ô liu, bơ, hạt ngũ cốc, quả hạch; các loại cá biển như cá hồi, cá trích chứa omega-3. Chất béo không bão hòa rất có lợi cho sức khỏe nói chung, đặc biệt giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú tiến triển. Những người sử dụng nhiều loại thực phẩm chứa omega-3 có tỷ lệ tái phát ung thư vú thấp hơn 25% trong 7 năm sau điều trị.
- Thực phẩm giàu protein không thể thiếu trong thực đơn của người ung thư vú. Theo Hiệp hội Ung thư Canada, protein giúp hồi phục các tế bào bị tổn thương và nâng cao hệ miễn dịch. Nếu không có đủ protein, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau điều trị.
Các nguồn protein tốt có trong thực phẩm bao gồm: các loại cá như cá chép, cá thu, cá trắm; các loại thịt như thịt gia cầm, thịt nạc; trứng; sữa và các sản phẩm từ sữa; các loại hạt và đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng và thực phẩm đậu nành, VnEpress dẫn thông tin từ BS Nguyễn Thị Minh - Khoa Ung thư tổng hợp, Viện Ung thư, Bệnh viện TWQĐ 108.
Chế độ tập luyện của bệnh nhân ung thư vú
Đối với bệnh nhân ung thư vú, tập thể dục có thể giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh khi họ đang tiến hành điều trị. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Miami (Mỹ) đã xem xét mức độ hoạt động thể chất và sức khỏe thể chất/tâm thần của 240 phụ nữ bị ung thư vú không di căn được xem xét trong khoảng từ 4-10 tuần sau khi phẫu thuật. Kết quả cho thấy, phụ nữ tích cực hoạt động thể chất ít bị trầm cảm, mệt mỏi và có chất lượng sống tốt hơn trong thời gian điều trị ung thư sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, không phải với tất cả những bệnh nhân ung thư vú đều áp dụng chung một phương pháp tập luyện mà tùy thể trạng cũng như tiến triển bệnh của mỗi người.
Một số động tác tập thể dục được đưa ra với bệnh nhân ung thư vú như đi bộ, giúp người bệnh hít thở không khí trong lành để quên đi thời gian chiến đấu khó khăn với bệnh. Liệu pháp yoga giúp người bệnh tĩnh tâm hơn và chấp nhận thực trạng bệnh của mình, có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sức khỏe tổng thể được cải thiện và điều chỉnh được lượng hormone gây căng thẳng… Các nhà khoa học cũng đưa ra phương pháp tập luyện hiệu quả cho bệnh nhân ung thư vú là chèo thuyền. Hoặc liệu pháp thiền cũng là lựa chọn thích hợp cho người bệnh muốn yên tĩnh giúp người bệnh hóa giải lo lắng và trở về cuộc sống thường ngày, theo bà Trần Kim Chi, Điều dưỡng trưởng Phòng khám gia đình Việt Úc (Hà Nội) chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống.
Linh Chi(T/h)