(ĐSPL) - Nhiều công ty đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới bất động sản, sau khi tuyển sinh ồ ạt, đào tạo tràn lan bỗng nhiên “mất hút” trên thị trường. Nhiều học viên chẳng may bị mất chứng chỉ, muốn cấp lại nhưng loay hoay không biết phải làm sao.
Khốn khổ vì bị quỵt chứng chỉ
Thảm hại hơn, nhiều học viên đã nộp tiền, thi sát hạch đợt cuối nhưng không được nhận bằng. Điện cho công ty thì học viên nhận được lời hứa suông của giám đốc. Khi đến trực tiếp tìm hiểu thì tất cả đều ngỡ ngàng vì công ty đó đã ngừng hoạt động từ bao giờ.
|
Giấy chứng nhận được cấp cho học viên sau khi hoàn thành khóa học về BĐS của công ty V.B. |
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi biết có nhiều trường hợp học viên do cả tin hoặc vì một lý do nào đó mà sau khi đóng tiền, hoàn thành khóa học nhưng vẫn không lấy được bằng như lời hứa hẹn ban đầu của công ty.
Anh Nguyễn Mạnh Thanh (trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội), do mối quen biết giới thiệu nên đã tìm tới công ty đào tạo BĐS V.B có trụ sở tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) để đăng ký 3 khóa học về môi giới, định giá và quản lý sàn giao dịch BĐS với giá trọn gói hơn 3 triệu đồng.
Kết thúc khóa học, anh Thanh hồ hởi đến công ty nhận chứng chỉ tốt nghiệp thì nhận được câu trả lời chưa có cùng với lời hẹn một thời gian sau quay lại sẽ có đầy đủ cả 3 chứng chỉ.
Do công việc phải đi công tác xa, gần một năm sau anh Thanh quay trở lại lấy chứng chỉ thì nhân viên ở đây trả lời: “Quá thời gian nên chứng chỉ của anh không còn hiệu lực nữa”. Trước câu trả lời trên, anh Thanh bực bội vì bỗng chốc tiền bạc, công sức học tập của mình coi như công cốc.
Cực chẳng đã, anh Thanh đành yêu cầu công ty cho xin lại hồ sơ lưu nhưng đều bị phớt lờ. Anh bức xúc cho biết: “Tôi đã nhiều lần liên lạc với đại diện công ty V.B nhưng đều nhận được câu trả lời đã quá hạn, muốn được cấp phải nộp thêm vài trăm nghìn đồng lệ phí cùng lời hướng dẫn muốn được cấp chứng chỉ hành nghề thì đưa thêm 1 – 2 triệu đồng sẽ được làm thủ tục ở sở xây dựng cấp luôn thể. Tôi không thể chấp nhận được kiểu làm ăn như vậy. Trước khi vào học, họ hứa hẹn này nọ, thậm chí còn quảng cáo là công ty có uy tín, cầm chứng chỉ đào tạo của công ty cấp có thể ra xin việc ở bất kỳ công ty, sàn giao dịch BĐS nào nhưng bây giờ thì ngược lại”.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Vân (trú tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) học viên của công ty cổ phần truyền thông BĐS R.V (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Cả khóa học của tôi có hàng chục học viên tham gia học tập, đào tạo nhưng không hiểu sao đến nay tôi vẫn chưa được lấy chứng chỉ. Rất nhiều lần tìm đến công ty, gọi điện giục họ trả chứng chỉ cho mình nhưng chỉ nhận được toàn lời hứa suông. Trước khi đăng ký học, tôi có tìm hiểu khá kỹ. Tôi được biết, đây là công ty được bộ Xây dựng cấp phép hẳn hoi, có tư cách pháp nhân đầy đủ nhưng không ngờ mình lại rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở như hiện tại. Nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc thanh kiểm tra, thông báo công khai danh sách các công ty có chức năng đào tạo, cấp chứng chỉ BĐS một cách rõ ràng thì chắc chắn trong tương lai sẽ không ít người rơi vào cảnh như trên”.
May mắn hơn hai trường hợp trên là anh Nguyễn Đức Cường (trú tại tỉnh Thái Bình), học viên của lớp đào tạo, cấp chứng chỉ do công ty V.B tổ chức.
Anh Cường cho biết: “Kết thúc khóa học anh đã nhiều lần tìm tới công ty lấy chứng chỉ nhưng nhân viên của công ty lại hành xử kiểu lập lờ, thiếu minh bạch. Thông thường, sau khi học xong phía cơ sở đào tạo phải thông báo thời gian dự kiến nhận chứng chỉ để các học viên biết nhưng đằng này họ cắt hoàn toàn công đoạn này. Sau khi tốt nghiệp, tôi áng chừng thời gian đến lấy nhưng rất nhiều lần phải tay trắng đi về. Rất may ở chỗ, sau rất nhiều lần gọi điện thoại cho cán bộ lớp, nhân viên công ty, thậm chí là lãnh đạo công ty thì tôi mới lấy được chứng chỉ môi giới BĐS của mình”.
Những công ty chỉ tồn tại trên điện thoại
Mặc dù hai công ty nêu trên đều là những công ty được Bộ Xây dựng cấp phép đào tạo trên cả ba lĩnh vực là môi giới, định giá và quản lý sàn BĐS nhưng nhiều học viên phản ánh rằng, khi có nhu cầu liên hệ lấy chứng chỉ hoặc xin cấp lại đều gặp phải những khó khăn.
Trong vai một người có nhu cầu xin cấp lại chứng chỉ, chúng tôi điện cho Th. - Giám đốc công ty BĐS V.B hỏi thủ tục. Vị giám đốc này hướng dẫn chúng tôi tới địa chỉ của công ty trên đường Giải Phóng để giải quyết. Tuy nhiên, khi chúng tôi tới nơi thì không thấy công ty ở đâu cả.
Xông vào địa chỉ đã được chỉ dẫn thì một người phụ nữ bán hàng ở đó cho chúng tôi biết: “Công ty này đã giải thể từ khá lâu rồi. Trụ sở công ty đã bị thu hồi để cho đơn vị khác thuê. Nếu anh có nhu cầu liên hệ thì cứ điện trực tiếp cho giám đốc công ty”. Ngớ người trước thông tin như vậy, chúng tôi bèn điện lại cho Th. thì không thấy bắt máy. Thời gian sau đó chúng tôi cũng không nhận được phản hồi từ vị giám đốc công ty này.
Không liên hệ được với tư cách học viên của công ty, chúng tôi liền điện lại cho Th. bằng số máy khác với tư cách là một người đang có nhu cầu học để lấy chứng chỉ BĐS.
Lần này thì vị giám đốc có vẻ khá niềm nở và hướng dẫn cho chúng tôi tới địa điểm đăng ký. Lạ ở chỗ, địa điểm mà chúng tôi được hướng dẫn lại nằm ở phường Yên Hòa (Cầu Giấy) chứ không phải địa điểm cũ.
Công ty cũng không còn mang tên V.B mà mang một cái tên hoàn toàn mới. Theo lời nhân viên của một công ty BĐS thì với những công ty BĐS bị giải thể hoặc không còn hoạt động, nếu ai có nhu cầu học thì họ sẽ chuyển nhượng sang cho một công ty khác để ăn hoa hồng. Công ty đó chỉ đứng ra môi giới cho những người không biết thông tin mà thôi.
Thảm hại hơn công ty V.B là công ty mà chị Nguyễn Thanh Vân theo học. Sau nhiều lần đến tận công ty R.V không lấy được chứng chỉ, chị đã phần nào nản chí. Tuy nhiên, do tiếc tiền nên sau một thời gian chị điện lại công ty để hỏi. Bất ngờ thay, cả số điện thoại cố định lẫn trang web công ty đều không thể liên lạc được. Chị tức tốc lên trụ sở chính thì phát hiện công ty đã chuyển đi từ bao giờ. Số điện thoại giám đốc cũng không thể liên lạc được.
Chị Vân cho biết, công ty đã mất tăm nên chắc chắn tôi không lấy được chứng chỉ nữa. Tuy nhiên, đối với những người bạn học khóa trước đã lấy được chứng chỉ thì họ cũng rất phân vân. Nếu nhận phải những chứng chỉ của công ty “ma” như thế này liệu những chứng chỉ đó có còn giá trị sử dụng hay không?
Hiện nay, chứng chỉ hành nghề như một “giấy thông hành” đối với những người hoạt động trong lĩnh vực BĐS nên điều quan trọng nó phải có hiệu lực. Theo tình hình này thì nhiều người có thể bị “đẩy ra đường” vì “giấy thông hành” không còn hợp lệ nữa. Cũng chính vì thế mà nhiều học viên rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Người chưa được cấp chứng chỉ thì tiền mất, chứng chỉ không có. Trong khi đó, những công ty này đều được bộ Xây dựng cấp phép đào tạo.
Người người đi học...
Theo Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Kinh doanh BĐS nêu rõ: “Bắt đầu từ ngày 01/01/2009, tất cả cá nhân, tổ chức tham gia vào lĩnh vực kinh doanh BĐS phải tham gia khoá đào tạo và được cấp giấy chứng nhận của đơn vị đào tạo về môi giới, định giá BĐS, quản lý và điều hành sàn giao dịch BĐS”. Chính điều này đã nảy sinh ra chuyện người người đi học, nhà nhà đi học chứng chỉ BĐS. |
Phạm Thiệu – Quỳnh ChiLink bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-ma-de-ra-chung-chi-moi-gioi-bat-dong-san-ma-a26960.html