Vừa ra tù hơn một tháng, Tuấn đã cùng lúc phạm 4 trọng tội, gây chấn động dư luận tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói, nạn nhân là người cùng thôn với Tuấn. Do đó, không ít người gọi Tuấn là “ác quỷ” đội lốt người quen.
Bị cáo Tuấn tại phiên toà. |
Hãm hiếp rồi nhấn chìm nạn nhân để bịt đầu mối
Gương mặt lầm lì, Phạm Tuấn (SN 1989, ngụ xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đứng sau bục dành cho bị cáo. Hôm nay, tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.Đà Nẵng xét xử Tuấn về 4 tội danh: Giết người, Hiếp dâm, Cướp tài sản và Trộm cắp tài sản. Tuấn cho biết, năm 2016, Tuấn từng bị xử phạt 24 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản và 9 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Đến cuối tháng 12/2018, Tuấn chấp hành xong án phạt nhưng chưa được xóa án tích.
Khi ra tù cũng là dịp cuối năm nên Tuấn chỉ ở nhà, ăn bám gia đình. Người thân từng khuyên nên kiếm việc làm nhưng Tuấn biện minh lý do, muốn được “hưởng chút khí trời”, sang năm đi làm vẫn chưa muộn. Thế nhưng, người thân không thể ngờ, chỉ hơn 1 tháng ra tù, Tuấn lại gây ra oan nghiệt, khiến cả khu vực chấn động.
Chiều 31/1/2019, Tuấn đến nhà người bạn ở thôn Đông An, xã Quế Phước dự tất niên. Trên đường đi bộ về, Tuấn thấy chị Thái Thị Lan N. (SN 1998) đi vào khu vực miếu thôn Đông An, nên nảy sinh ý định đen tối. Tuấn lén đi theo rồi lao vào tấn công chị N.. Nạn nhân chống cự nhưng Tuấn không chịu buông tha. Quá hoảng sợ, chị N. lên cơn động kinh, sùi bọt mép rồi ngất xỉu. Lúc này, Tuấn mới chịu dừng lại.
Lo sợ chị N. tỉnh dậy sẽ tố cáo hành vi sai trái của mình nên Tuấn nảy sinh ý định sát hại nạn nhân bịt đầu mối. Tuấn kéo nạn nhân ra bờ sông Thu Bồn, nhấn cho đến khi chị N. không còn động đậy rồi thả trôi sông. Tuấn quay lại miếu lấy 120 nghìn đồng của nạn nhân đánh rơi, nhặt đôi dép của nạn nhân vứt xuống sông nhằm phi tang chứng cứ. Tuy nhiên, đôi dép không trôi mà mắc lại ở bờ sông. Trong lúc gây án, Tuấn làm rơi chiếc điện thoại di động của mình.
Trở về nhà, Tuấn tắm rửa, ăn cơm, trò chuyện với mọi người như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đến khuya, khi mọi người đã ngủ, Tuấn lấy đèn pin, quay lại hiện trường với ý định tìm chiếc điện thoại nhưng không thấy nên quay về. Hôm sau, gia đình chị N. đi tìm, phát hiện đôi dép cạnh bờ sông nên trình báo công an.
Ngày 3/2, lực lượng công an phát hiện thi thể nạn nhân trong tình trạng đang phân hủy. Biết thông tin này, Tuấn đến hiện trường xem quá trình trục vớt. Thậm chí, Tuấn tỏ ra xót thương nạn nhân. Tuy nhiên, sau đó, hành vi bại lộ, Tuấn bị bắt giữ. Ngày 15/10/2019, Tuấn bị TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử, tuyên mức án tử hình. Tuấn kháng cáo nên được đưa ra xét xử phúc thẩm.
Lựa chọn cái ác
Cũng trong phiên tòa hôm ấy, Tuấn cho biết, khi vừa gây án xong, bị cáo gặp ông Phạm Quý V. (SN 1977), ngụ cùng thôn, đang đi tìm bò lạc. Ông V. hỏi: “Mày đi đâu đó Đen?” (tên thường gọi ở nhà của bị cáo). Tuấn nhanh nhảu: “Cháu đi thắp hương”. Đồng thời, Tuấn nhờ ông V. chở mình về nhà. Do đang đi tìm bò, ông V. từ chối.
Sau khi thi thể nạn nhân được tìm thấy, công an cũng phát hiện chiếc điện thoại hiệu Huawei của bị cáo gần hiện trường. Sau đó, ông V. trình báo sự việc gặp Tuấn ở khu vực gần bờ sông. Điều tra viên mời Tuấn lên trụ sở làm việc. Lúc đầu, Tuấn khẳng định mình không liên quan đến cái chết của chị N.. Tuy nhiên, điều tra viên cho hay, những ngày gần đây, Tuấn có khoe chiếc điện thoại Huawei với một số người quen. Đồng thời, số điện thoại này trùng với số điện thoại tìm thấy ở hiện trường. Đến lúc này, Tuấn mới thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, Tuấn xác nhận, trước đó đã lấy trộm chiếc điện thoại này của người quen.
Tại tòa, Tuấn nêu lý do kháng cáo: “Bị cáo nghĩ mình vẫn còn tính người. Bị cáo muốn có cơ hội được sống, để làm lại cuộc đời”. Điều bất ngờ, Tuấn thừa nhận, chị N. và mình ở cùng thôn. Tuấn biết, chị N. bị bệnh động kinh nhưng vẫn gây án.
Nhớ lại hành vi tàn ác của mình, Tuấn bao biện: “Bị cáo có nhậu, do hơi men nên khi thấy chị N. mới nảy sinh ý định đen tối. Sau đó, bị cáo nghĩ, nếu không bịt đầu mối thì mọi việc sẽ bị bại lộ nên mới sát hại nạn nhân”.
“Trong quá trình thực hiện hành vi đồi bại và hành vi sát hại nạn nhân, bị hại có van xin bị cáo không?”, vị kiểm sát viên hỏi. Tuấn thành thật trả lời: “Dạ có”. “Lúc đó, bị cáo nghĩ gì?”, vị này hỏi tiếp. Tuấn khai: “Bị cáo nghĩ có nên thực hiện tiếp không”. “Vậy tức là bị cáo có thời gian suy nghĩ, lựa chọn nhưng bị cáo vẫn thực hiện?”. Tuấn im lặng.
Suốt phiên tòa hôm ấy, mặc dù miệng nói hối hận, nhưng khuôn mặt Tuấn vẫn lầm lì không chút hối lỗi. Chỉ khi quay xuống phía sau, không thấy bóng dáng người thân, Tuấn mới thoáng buồn.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là tàn nhẫn, không thể tha thứ. Trong phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới. Do đó, Tòa quyết định bác đơn kháng cáo, tuyên tử hình Tuấn về tội Giết người, 2 năm tù tội Hiếp dâm, 7 năm tù tội Cướp tài sản, 1 năm tù tội Trộm cắp tài sản. Tổng hợp hình phạt Tuấn phải chấp hành là tử hình.
“Phải chi, lòng nhân của bị cáo thức tỉnh đúng lúc” Trước khi nghị án, vị thẩm phán phân tích: “Cuộc đời này ngắn ngủi, không phải lỗi lầm nào cũng có cơ hội sửa sai. Phải chi, lòng nhân của bị cáo thức tỉnh đúng lúc”. Những lời này khiến những người có mặt tại phiên tòa lặng yên, suy ngẫm. |
Huy Cường
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (21)