Bánh trung thu ngon miệng, hấp dẫn nhưng không phải ai cũng thích hợp để ăn. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn bánh trung thu:
Những người không nên ăn bánh trung thu
Người bị bệnh tiểu đường
Thông tin từ VTC News, với người bị tiểu đường, điều quan trọng hơn cả là thực đơn ăn uống kiểm soát lượng đường trong máu. Đường và chất béo trong bánh trung thu rất cao, khi ăn quá nhiều bánh trung thu, lượng đường trong máu sẽ tăng, lượng chất béo hấp thu vào cơ thể cũng quá nhiều.
Nếu không muốn bỏ lỡ chiếc bánh cùng gia đình trong dịp lễ, người bệnh nên giảm lượng tinh bột và dầu ăn trong các bữa ăn còn lại trong ngày để cân bằng chế độ dinh dưỡng.
Người nóng trong
Theo trang Aboluowang, những người cơ thể quá nóng không nên ăn nhiều bánh trung thu, dễ gây khó tiêu. Đồng thời, có thể dẫn đến nội hỏa tăng cao, gây nổi mụn, táo bón, sưng lợi và các triệu chứng khác.
Người bị sỏi mật, túi mật
Người mắc sỏi mật, túi mật khi ăn quá nhiều bánh trung thu có thể dẫn tới viêm tụy cấp tính, có thể dẫn tới tử vong trong thời gian ngắn.
Vì vậy, nếu không cần thiết, người mắc bệnh này cần cố gắng không ăn bánh trung thu.
Người bị mụn trứng cá hoặc các bệnh về da
Những người thường xuyên bị viêm da, mụn trứng cá và các bệnh về da khác cũng không nên ăn quá nhiều bánh trung thu.
Thành phần quá nhiều chất béo có thể làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn, khiến các bệnh lý về da thêm trầm trọng.
Người đang mang thai
Theo báo Sức khoẻ & Đời sống, phụ nữ mang thai ăn bánh trung thu cần lưu ý tuân thủ các quy định, những điều cần tránh khi ăn bánh trung thu bởi trong bánh trung thu có nhiều dưỡng chất không tốt cho mẹ bầu, hơn nữa lại chứa nhiều đường lượng đường trong bánh chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh nên rất dễ gây tăng đường máu.
Người thừa cân, béo phì
Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao), 5-12 g protein, 60-90 g cacbohydrat và 30-45 g chất béo.
Một mẩu bánh trung thu nhân trứng muối nặng 60 g cung cấp khoảng 200 calo. Một phụ nữ cân nặng 55 kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này.
Những mẹo tốt cho sức khỏe khi ăn bánh trung thu
Nếu bạn không thuộc nhóm những người trên thì có thể ăn bánh trung thu nhưng không nên ăn quá nhiều và có thể áp dụng một vài mẹo tốt như sau:
Nên ăn bánh trung thu vào ban ngày
Tốt nhất nên ăn bánh trung thu vào buổi sáng hoặc trưa, nên ăn ít hoặc cố gắng không ăn vào buổi tối, nhất là đối với người cao tuổi. Nếu không, nó có thể gây đông máu, huyết khối và các bệnh tim mạch khác.
Không nên ăn với cháo
Khi ăn chung với nhau sẽ khiến đường huyết trong cơ thể tăng nhanh, không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân tiểu đường mà còn ảnh hưởng xấu đến tế bào não của con người, giảm chuyển hóa chất béo.
Bánh trung thu nên ăn ngay tránh để lâu
Vì bánh trung thu chứa nhiều chất béo nên nếu bảo quản quá lâu sẽ dễ khiến nhân bị biến chất. Bánh trung thu nên ăn khi mua về hoặc bảo quản đúng cách để tránh bị hư hỏng.
Ăn với lượng vừa phải
Theo VTV News, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Hoài Dung cho biết, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn một lượng bánh vừa đủ mỗi ngày để kiểm soát được lượng kcal đưa vào cơ thể, có thể sử dụng bánh trung thu như một bữa ăn phụ lót dạ trước thời điểm tập gym để tăng tốc độ tiêu tốn năng lượng.
Ăn kèm cùng trà hoặc bưởi
Bạn nên ăn bánh trung thu cùng trà, vì trong trà chứa nhiều chất giúp thúc đẩy tiêu hóa, giảm tích tụ mỡ trong cơ thể. Các chất chống oxy hóa trong trà sẽ giúp loại bỏ chất béo, kích thích hệ thần kinh, tăng cường quá trình đốt chất béo.
Ngoài trà, bạn có thể ăn một vài múi bưởi sau khi khi thưởng thức bánh trung thu. Bưởi có tính thanh nhiệt, chứa nhiều vitamin C và vitamin A, giúp tăng sức đề kháng có lợi cho cơ thể. Ăn bưởi sẽ giúp giảm cholesterol trong máy, giảm mỡ bụng và giảm cân hiệu quả, đồng thời giúp tiêu năng lượng cơ thể nạp vào từ bánh trung thu.
Nguyễn Linh (T/h)