Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, Nga đã liệt kê một danh sách các công ty nước ngoài có thể bị quốc hữu hóa.
Theo đó, ông Oleg Pavlov, người đứng đầu tổ chức "Sáng kiến tiêu dùng xã hội" của Nga cho biết, Chính phủ Nga và Văn phòng Tổng công tố đã nhận được danh sách. Tổng cộng 59 công ty nước ngoài có thể bị quốc hữu hóa do ngừng hoạt động tại Nga hoặc rút khỏi thị trường Nga.
Danh sách bao gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng như Volkswagen, Apple, IKEA, Microsoft, IBM, Shell, McDonald's, Porsche, Toyota, H&M...
Ông Pavlov cho biết danh sách này được để ở "trạng thái mở" và vẫn còn một số công ty nước ngoài khác ở Nga có thể bị liệt vào. Tổng số nợ của các công ty này vượt quá 6.000 tỷ Rúp, tương đương với tổng thu nhập của họ ở Nga trong ba năm qua.
Theo tờ báo kinh tế thương mại Kommersant, ông Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết, chính phủ nước này đã xây dựng các biện pháp bao gồm phá sản và quốc hữu hóa tài sản đối với các tổ chức nước ngoài. "Không dễ để các công ty nước ngoài quay trở lại thị trường Nga", ông tuyên bố.
Tờ Izvestia cho rằng, Nga sẽ áp dụng mọi biện pháp khiến các công ty vi phạm bị thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, ban quản lý các doanh nghiệp này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan tới "các vụ phá sản cố ý quy mô lớn".
Trước đó, đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đã đưa ra đề xuất quốc hữu hóa các công ty nước ngoài nếu họ rời thị trường Nga. Bộ Kinh tế Nga cũng đưa ra đề xuất tương tự.
Hôm 9/3, Hội đồng Lập pháp Nga đã thông qua một loạt các biện pháp chống trừng phạt thứ 2 nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này, bao gồm các biện pháp quốc hữu hóa tài sản của các công ty nước ngoài.
Dự luật cho phép các công ty từ "các quốc gia và khu vực không thân thiện" với tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 25% được đưa vào cơ chế quản lý bên ngoài do tòa án thực hiện, một động thái sẽ ngăn họ tự ý tuyên bố phá sản và bảo toàn việc làm ở Nga.
Một trong những quy định nêu rõ, nếu một công ty trước đó đã tuyên bố rút khỏi Nga nhưng tiếp tục hoạt động hoặc bán cổ phần trong vòng 5 ngày, thì công ty đó có thể không bị đưa vào cơ chế quản lý, với điều kiện hoạt động kinh doanh chính và cơ cấu nhân viên còn nguyên vẹn. Nếu không, tòa án sẽ bổ nhiệm ban quản lý tạm thời trong 3 tháng cho công ty, sau đó cổ phần của tổ chức mới sẽ được bán đấu giá và tổ chức cũ sẽ được thanh lý.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm 9/3 cho biết, Mỹ "sẽ không ngồi yên" nếu Nga quốc hữu hóa tài sản của các công ty Mỹ rời khỏi Nga.
Theo Sputnik, chủ một tổ hợp hậu cần của Nga cho biết, một số nhà bán lẻ lớn của phương Tây trước đó đã thông báo tạm ngừng hoạt động tại nước này vẫn chưa di chuyển hàng hóa từ các kho thuê.
Ông Postnikov, Tổng giám đốc của Orientir, tin rằng nhiều công ty quốc tế có thể sẽ phải thay đổi kế hoạch rời khỏi thị trường Nga hoặc thay đổi sự hiện diện của họ trên thị trường Nga.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)