+Aa-
    Zalo

    4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp: Trách nhiệm thuộc về ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nguyên nhân trực tiếp của 3 trong 4 vụ tai nạn đường sắt vừa qua là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp.

    Nguyên nhân trực tiếp của 3 trong 4 vụ tai nạn đường sắt vừa qua là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt...

    4 ngày 4 vụ tai nạn đường sắt khiến 2 người chết

    Trong 4 ngày vừa qua trên cả nước xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng làm 2 người chết, 11 người bị thương, hư hỏng nhiều đầu máy, toa xe, đường ray tàu.

    Cụ thể, hồi 00h30 ngày 24/5, đoàn tàu khách SE19 đã đâm phải xe tải vượt đường sắt tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Cú đâm mạnh làm đầu máy và 6 toa xe lật xuống ruộng, 2 người chết và 10 người bị thương. Công an đã khởi tố vụ án và đã bắt 2 nhân viên gác chắn do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    16h20 ngày 26/5, tàu hàng ASY2 chạy TPHCM – Hà Nội qua Ga Núi Thành (Quảng Nam) đã đâm trực diện tàu dồn trong phạm vi nhà ga. Cú đâm khiến 2 đầu máy và 5 toa hàng trật bánh. Chỉ sau đó ít phút, tàu hàng hàng 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào ga Yên Xuân (Nghệ An) thì toa số 3 và 4 bị trật bánh. 30 m đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, đường sắt qua khu vực này tắc 3 giờ.

    Vào 13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy hướng Bắc - Nam, khi tới Diễn Châu (Nghệ An) đâm vào xe bồn đang chết máy trên đường sắt, làm tài xế bị thương nhẹ, đường sắt qua khu vực này bị tê liệt trong 90 phút.

    Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Thanh Hóa. Ảnh: Vietnamnet

    Nguyên nhân tai nạn do... chủ quan

    Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân trực tiếp của 3 trong 4 vụ tai nạn trên là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga; do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện; 2 trong 4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.

    Liên quan đến vụ việc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng và Tổng công ty Đường sắt phối hợp với các địa phương khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm để xảy ra các vụ tai nạn trên .

    Báo cáo đầy đủ các vụ tai nạn giao thông đường sắt từ đầu năm 2018 do nguyên nhân chủ quan gây ra; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan, công minh các vi phạm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tai nạn do chủ quan…

    Tai nạn đường sắt: Ai chịu trách nhiệm?

    Trả lời báo Tiền Phong, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, qua mỗi vụ tai nạn Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đều có phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm, có các kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm bớt phụ thuộc con người, xây dựng đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn đầu tư cho nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đường sắt rất hạn hẹp và phụ thuộc ngân sách nhà nước.

    Toa tàu đứt, trật khỏi đường ray. Ảnh: Dân Trí

    Theo đó, vốn ngân sách cấp hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng đường sắt. Do thiếu vốn nên việc duy tu, bảo dưỡng bị dồn tích nhiều năm đã ảnh hưởng tới chất lượng đường ray, phương tiện và an toàn đường sắt.

    Ông Minh cho rằng, một trong số nguyên nhân dẫn tới tai nạn đường sắt còn do hiện trạng đường sắt cũ kỹ (hơn 100 năm), nhiều lối đi dân sinh tự mở, lỗi do con người vận hành, nhiều đường ngang (hơn 4.200 lối đi tự mở)...

    Trong khi đó, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, qua thực tế kiểm tra tại một số địa phương, cho thấy, có trường hợp nhân viên đường sắt thực hiện chưa nghiêm quy định, sự quan tâm, phối hợp của một số địa phương với ngành đường sắt chưa đúng mức.

    Nói về trách nhiệm của ngành đường sắt đối với hành khách, chủ hàng, ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, vấn đề này rất khó vì hiện trạng của ngành đường sắt là càng chạy càng lỗ.

    Bản thân ngành đường sắt cũng không mong muốn để xảy ra tai nạn đường sắt ảnh hưởng đến hành khách như chậm giờ, hàng hóa bị chuyển chậm... cho nên việc quy trách nhiệm bồi thường cho hành khách trong trường hợp các tai nạn đường sắt xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách thì cần phải có thời gian mới thực hiện được. Giải pháp trước mắt vẫn là phải khai thác tốt, đảm bảo an toàn chạy tàu trên nền tảng hạ tầng cơ sở hiện nay.

    "Ngành đường sắt cần phải được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ về nguồn lực nhằm nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện đại, đường sắt tốc độ cao", ông Liên cho hay.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/4-vu-tai-nan-duong-sat-lien-tiep-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a230986.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan