Trong thời đại hiện nay, ngoài các kiến thức văn hóa chuyên ngành thì kỹ năng mềm cũng đóng vai trò rất quan trọng. Kỹ năng mềm giúp bạn có thể linh hoạt trong mọi tình huống và tìm ra cách ứng xử hợp lý nhất cho từng trường hợp khác nhau.
CEO Đỗ Mạnh Hùng - một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nhân sự chia sẻ “Hầu hết các bạn trẻ bây giờ thiếu những kỹ năng rất cơ bản, các bạn có thể học tập rất tốt nhưng đến khi ứng dụng vào thực tế thì lại gặp rất nhiều khó khăn vì không có kỹ năng”. Trong đó kỹ năng thuyết trình là một trong những yếu tố then chốt, mà bất kỳ ai cũng nên trang bị cho bản thân. Tuy nhiên bạn có biết làm sao để thuyết trình tốt? Sự thực là có rất rất nhiều người mắc phải những lỗi cơ bản khi thuyết trình dưới đây!
Slide thuyết trình quá dài
Khi nhắc tới thuyết trình, ta sẽ nghĩ ngay đến hai yếu tố là khả năng nói và slide thuyết trình. Slide là công cụ hỗ trợ cho việc thuyết trình của bạn trở nên sinh động hơn. Thông thường slide thì sẽ có những thông tin cô đọng hoặc những hình ảnh minh họa cho phần trình bày. Nhưng đôi lúc những người thuyết trình quá tham lam muốn mang hết tất cả nội dung để “nhồi nhét” vào slide khiến cho slide bị quá tải thông tin, dài dằng dặc chẳng khác nào chiếu lên một bản word cho người xem. Slide thuyết trình nếu quá nhiều thông tin sẽ khiến cho người nghe mất tập trung vào những gì bạn nói. Do đó bạn phần trình bày của bạn không thể đạt hiệu quả như mong muốn.
Không có phong cách rõ ràng
Định hình phong cách thực ra rất quan trọng nhưng lại ít người chú ý đến điều này. Khi bạn xây dựng hình ảnh bản thân, bạn nên định hướng cho mình một phong cách nhất định và theo đuổi hình ảnh đó trên mọi phương diện để bất kỳ ai khi tiếp xúc với bạn cũng sẽ có những ấn tượng riêng với bạn, ví dụ tiêu biểu như nhắc tới Tiến sĩ Lê Thẩm Dương người ta sẽ nghĩ ngay đến sự hài hước, dí dỏm khi tiếp xúc với ông. Trong quá trình diễn thuyết cũng vậy, tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của việc này. Thực tế đáng buồn là có rất nhiều bạn không để ý đến việc kiểm soát phong cách bản thân lúc thì nghiêm túc, chỉnh chu quá đà, lát sau lại hài hước, nhí nhố khiến cho người nghe cảm thấy khó nắm bắt được.
Không có phần trả lời câu hỏi
Những bài thuyết trình của bạn thường sẽ vẫn để lại những băn khoăn, khúc mắc cho người nghe. Sẽ thật thiếu xót nếu bạn không cho họ cơ hội bày tỏ quan điểm và thắc mắc của họ về vấn đề bạn trình bày, hơn nữa khi họ đưa câu hỏi cũng là cơ hội để bạn giải thích những điểm còn chưa rõ ràng để tất cả mọi người có thể thông suốt nội dung thuyết trình. Hãy chuẩn bị tinh thần và kiến thức để sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi được đưa ra sau khi trình bày bài diễn thuyết. Đừng lảng tránh những câu hỏi bởi nếu bỏ qua câu hỏi, người nghe sẽ cảm thấy bạn lừa dối họ. Điều này có thể sẽ làm phần trình bày của bạn bị nghi ngờ và xa hơn nữa là ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của bạn.
Không tương tác với người nghe
Hầu hết những người thuyết trình thường quên mất việc giữ tương tác với những người nghe. Trong buổi thuyết trình nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt về những gì bạn muốn nói và quên mất cảm nhận của người nghe thì bạn đã thất bại. Khi bạn không tương tác với người nghe thì bạn cũng không thể biết được liệu rằng họ có đang theo dõi những gì bạn nói hay không. Mục đích khi trình bày nội dung là để người nghe tiếp nhận nó hoàn chỉnh nhất, nhưng nếu bạn không tương tác tốt thì mục đích của bạn cũng sẽ không thể đạt được.
Vừa rồi là những lỗi cơ bản mà bạn có thể mắc phải khi thuyết trình. Hãy cố gắng khắc phục những nhược điểm này để bài thuyết trình của bạn hoàn hảo hơn. Để khắc phục được bạn cần phải rèn luyện thật nhiều, nếu bạn chưa thực sự tự tin vào kỹ năng thuyết trình của mình bạn có thể đăng ký tham gia một khóa học kỹ năng thuyết trình để có những chuyên gia hướng dẫn, bật mí cho bạn những bí quyết để có một bài thuyết trình xuất sắc.
P.Q