+Aa-
    Zalo

    37 ngày “đối đầu với tử thần” tại vùng tâm dịch COVID-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong năm 2021, Việt Nam đã trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 vô cùng nghiêm trọng, chủ yếu tại các tỉnh, thành phía Nam. Trước tình hình này, nhiều y bác sĩ ở Hà Nội đã lên đường “đối đầu với tử thần”, vào các vùng tâm dịch để chi viện.

    Kể từ khi đại dịch COVID-19 được phát hiện vào cuối năm 2019 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch COVID-19. Trong đó, đợt bùng phát dịch thứ 4 là nghiêm trọng và có tác động nhiều nhất.

    Thời điểm tháng 7/2021, TP.HCM đã ghi nhận số ca bệnh tăng vọt và nhanh chóng trở thành một trong những tâm dịch “nóng” nhất cả nước. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phía bao gồm Bình Dương, Đồng Nai hay Kiên Giang… cũng đã trải qua đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. Theo đó, các y bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện ngoài Hà Nội đã lên đường tiến vào miền Nam chi viện.

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, chị Hoàng Anh Tú, điều dưỡng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người đã lên đường vào Bình Dương chi viện trong đợt dịch vừa rồi, cho biết khi chứng kiến con số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao, tất cả các y bác sĩ, dù không thuộc khoa truyền nhiễm, đều có chung tâm trạng, chung những trăn trở và nhận thức mức độ nguy hiểm thật sự của biến thể SARS-CoV-2 mới.  

    Mong muốn được cống hiến vì cộng đồng

    Chị Hoàng Anh Tú cho biết theo chỉ đạo của Ban phòng chống dịch bệnh và Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận yêu cầu chi viện cho một số tỉnh phía Nam, một trong các điểm nóng nhất khi ấy là tỉnh Bình Dương.

    Theo đó, trước khi cử các đoàn viện trợ, bệnh viện đã tiến hành tập huấn, đào tạo trực tuyến cho toàn thể đội ngũ cán bộ - nhân viên y tế các kiến thức  COVID-19 như: Cách điều trị, chăm sóc, lấy mẫu, các nghiên cứu và giải pháp hiện nay… Các hoạt động này được tiến hành liên tục và đều đặn.

    Chị Tú chia sẻ ngay khi nhận lệnh điều động của bệnh viện vào chi viện tại tâm dịch Bình Dương, người đầu tiên chị báo tin là mẹ.

    Chị kể lại: “Người đầu tiên tôi báo tin là mẹ. Tôi nhớ như in cảm giác đứng trước hiên cửa sổ và nói với mẹ tôi rằng tôi chuẩn bị phải lên đường vào Bình Dương chi viện, giọng mẹ trầm lại, nghiêm khắc nhưng đầy lo lắng. Khi đó tôi chỉ kịp an ủi rằng ‘Con biết mẹ sẽ vất vả vì mẹ phải chăm sóc hai cháu thay con. Nhưng mẹ à, con cảm thấy ở ngoài kia, hình như còn có nhiều người đang cần đến con. Thanh xuân chỉ đến có một lần, con nghĩ mình cần phải làm một điều gì đó thực sự có ý nghĩa với bản thân, với cuộc sống để mai sau khi quay đầu nhìn lại, con sẽ không phải nói lời hối tiếc’”.

    file 4
    Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận nhiệm vụ chi viện tâm dịch Bình Dương.

    Và như thế, chị Hoàng Anh Tú cùng đoàn y bác sĩ từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã lên đường tới tâm dịch Bình Dương, mang theo kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng chị đã tích luỹ, trang bị sau một thời gian.

    Tại điểm “nóng” dịch bệnh, đội ngũ y tế, tụ hội từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đều đã nỗ lực hết sức để tìm ra các phương pháp, cách thức điều trị cũng như chăm sóc cho những người bệnh COVID-19 theo từng giai đoạn bệnh từ không có triệu chứng tới các trường hợp nghiêm trọng.

    “Giành giật người bệnh và đối đầu với tử thần”

    Trong thời gian chi viện ở Bình Dương, chị Hoàng Anh Tú được phân công làm việc tại phòng Hồi sức tích cực (ICU), nơi điều trị cho những trường hợp bệnh nặng.

    Dù truyền thông vẫn luôn cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố nhưng công việc thực tế tại những vùng tâm dịch khốc liệt hơn so với suy nghĩ của nhiều người.

    Trong đó, thời gian làm việc của các y bác sĩ tại phòng hồi sức tích cực được chia thành 3 ca 4 kíp, ca sang từ 7h-15h, ca chiều từ 15h-22h, ca đêm từ 22h-7h sáng hôm sau.

    Mỗi khoa chia làm 2 khu, một khu 20 giường và một khu 14 giường. Theo đó, mỗi khi vào phòng bệnh, tua trực luôn cố gắng theo dõi sát sao tình trạng của từng người bệnh mà họ chăm sóc. Khi các bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, các nhân viên y tế phải nhanh chóng tiến hành cấp cứu và hồi sức theo đúng chuyên môn và quy trình kỹ thuật.

    file 1
    Các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ sẵn sàng "chiến đấu" với COVID-19.

    Thời gian nghỉ trưa của các y bác sĩ chỉ vỏn vẹn khoảng 1 giờ đồng hồ. Họ phải thay phiên nhau lần lượt ăn trưa và luôn có người túc trực bên cạnh giường bệnh. Tuy nhiên, nếu ngày nào có nhiều ca bệnh trở nặng, những “thiên thần áo trắng” sẽ phải đứng thông tua mà không được nghỉ với mong muốn dốc hết sức lực của mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh tốt nhất.

    Trong 37 ngày chi viện ở Bình Dương, nữ điều dưỡng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng đội ngũ nhân viên y tế đã nhiều lần phải cấp cứu cho các ca bệnh nghiêm trọng, có những trường hợp thậm chí còn ngừng tuần hoàn.

    Chị Tú kể lại: Đôi khi, các anh chị em còn nói đùa với nhau: Chúng ta đang giành giật người bệnh và đối đầu với tử thần”.

    Ký ức khó phai

    Phải làm việc với cường độ cao trong bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng các y bác sĩ không hề ngần ngại. Trong 37 ngày chi viện, chăm sóc các bệnh nhân ở Bình Dương, chị Tú cho biết không ai trong ê-kíp làm việc có thái độ trễ nải. Thay vào đó, tất cả mọi người đều mang tinh thần chiến đầu kiên cường với hy vọng có thể cứu sống những bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong.

    Một trường hợp mà chị Tú nhớ nhất  trong chuyến chi việc là khi cứu sống nữ sản phụ sinh năm 1994 Nguyễn Thị Cẩm G.

    Chị G. nhập viện điều trị khi mang thai ở tuần thứ 36. Được biết, ngoài chị G., cậu con trai lớn 5 tuổi của chị cũng mắc COVID-19 và được chăm sóc ở bệnh viện tỉnh. Sau 2 tuần điều trị ở phòng ICU bệnh viện dã chiến, dù được các y bác sĩ tận tâm chăm sóc nhưng tình hình của chị G. đã xấu đi, buộc phải đặt nội khí quản và can thiệp máy thở hỗ trợ duy trì sự sống.

    file 5
    Điều dưỡng Hoàng Anh Tú (giữa). 

    Việc này đã đặt ra một vấn đề đối với các y bác sĩ khi ấy là làm thế nào để cứu cả sản phụ và em bé. Theo đó, ê-kíp phẫu thuật viên bên khoa Sản Bệnh viện quốc tế Becamex, nơi đặt bệnh viện dã chiến, đã tham gia hỗ trợ và nhanh chóng tiến hành phẫu thuật lấy thai nhi, nhằm giảm áp lực và gánh sức cho mẹ cũng như đảm bảo sự an toàn cho em bé.

    Sau những giờ phút “căng não” phẫu thuật, em bé của chị G. đã chào đời an toàn và được đưa về khoa hồi sức nhi của bệnh viện tỉnh theo dõi và chăm sóc. Trong khi đó, bệnh nhân G. được chuyển lại khoa hồi sức để tiếp tục điều trị.

    Vào những ngày kế tiếp, đội ngũ y bác sĩ đã cố gắng hết sức để cứu chữa cho chị G. với mong muốn giúp cả gia đình chị được đoàn tụ, đặc biệt là giúp người mẹ trẻ gặp lại đứa con bé bỏng mà khi sinh ra còn chưa kịp nhìn thấy mặt mẹ. Sau đó, tình trạng của chị G. dần được cải thiện và đến thời điểm hiện tại, qua trao đổi với các đồng nghiệp tại Bình Dương, chị Tú được biết chị G. đã được chuyển xuống khoa nhẹ hơn điều trị, em bé cũng được gia đình đưa về nhà chăm sóc.

    Ngoài những lần “giành giật” bệnh nhân với Tử thần, các y bác sĩ cũng nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến những câu chuyện của các bệnh nhân. Theo chị Tú chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ 1 trường hợp tại buồng mà tôi chăm sóc là cô Nguyễn Thị H. sinh năm 1974. Những ngày đầu khi cô được hỗ trợ thở bằng HFNC, tuy rất mệt nhưng chồng cô ấy hàng ngày vẫn gọi điện động viên, quan tâm và an ủi để giúp cô ấy bớt lo hơn về bệnh tình của mình. Không may sau 5 ngày, tình trạng cô ấy đã dần trở nặng, cô ấy đã phải đặt nội khí quản và dùng an thần. Khi ấy, chồng cô đã có nhờ bác bảo vệ lên gặp khoa, liên hệ và xin phép được nhìn vợ qua màn hình điện thoại, xin phép được nói với vợ một vài điều.

    Thông thường tôi không mang theo điện thoại vào phòng bệnh nhưng ngày hôm ấy là ngoại lệ. Tôi để lại số của mình và hẹn khi nào tôi thực hiện hết công việc chuyên môn, tôi sẽ liên lạc để chú nói chuyện và nhìn vợ chốc lát”.

    file 7
    Các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Bình DươngChú thích ảnh.

    Ngày hôm ấy, người đàn ông này đã đợi tới gần 0h, khi chị Tú hết ca làm việc để gọi điện vì muốn nhìn thấy vợ. Chị Tú sau đó đã gác điện thoại bên cạnh tai bệnh nhân để chồng cô gửi lời động viện tới vợ.

    Chị Tú nói: “Tôi thực sự trân trọng tình cảm của họ, sự xa cách cũng không làm họ nản lòng, lùi bước kể cả những lúc rất khó khăn trong cuộc đời”.

    Hiện nay, dù đã trở về với gia đình nhưng hành trình 37 ngày chi viện vùng tâm dịch đã trở thành một phần ký ức khó phai trong nữ điều dưỡng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

    “Khi đứng trước những thời điểm quyết định đối với sinh mạng của người bệnh, tôi nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh. Chính điều đó khiến tôi luôn tâm niệm một điều rằng: Người bệnh nằm ở đó như đang muốn đặt hoàn toàn niềm tin, sự sống của bản thân họ vào chính chúng tôi vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực làm việc một cách nghiêm túc, cẩn thận, tỷ mỷ và chính xác nhất có thể để không phụ sự tin tưởng của họ”, điều dưỡng Hoàng Anh Tú, Khoa Ngoại – Tiêu hoá Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

    Minh Hạnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/37-ngay-doi-dau-voi-tu-than-tai-vung-tam-dich-covid-19-a527045.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan