Báo Vietnamnet đưa tin, Bộ Công Thương vừa tiếp tục có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (DPPA).
Theo Bộ Công Thương, khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo vào tháng 5/2022 của đơn vị tư vấn cho thấy, có 24/95 dự án muốn mua bán điện “sạch” không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ngoài ra, 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng.
Ngoài ra, sau khi sàng lọc, tư vấn, cơ quan này đã gửi phiếu khảo sát tới 41 khách hàng, trong đó có 24 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, với tổng nhu cầu 1.125 MW (ước tính).
Theo Bộ Công Thương, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia), việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, cơ chế DPPA trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia vẫn còn khá rắc rối nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.
Theo báo Giao thông, trước đó, từ tháng 1/2020 đến nay, Bộ Công thương đã nhiều lần báo cáo trình Chính phủ để ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp nhưng có một số thay đổi về đề xuất hình thức văn bản triển khai cơ chế. Ban đầu, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp dưới hình thức thông tư, sau chuyển thành quyết định của Thủ tướng. Tại báo cáo mới nhất, hình thức văn bản được chuyển thành nghị định của Chính phủ.
Theo Bộ Công thương, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia), việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Song cơ chế mua bán điện trực tiếp trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia vẫn còn khá rắc rối. Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án về hình thức ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc có thể đưa quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp vào Luật Điện lực. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế này sẽ phụ thuộc vào thời hạn ban hành và hiệu lực thi hành của Luật Điện lực sửa đổi. Hiện nay, Luật Điện lực đang trong quá trình đề xuất sửa đổi (dự kiến ban hành năm 2025, dự kiến hiệu lực năm 2026).
Phương án 2: Thực hiện quy định tại Điều 70 Luật Điện lực, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trường hợp Điều 70 Luật Điện lực không đáp ứng là căn cứ để ban hành nghị định của Chính phủ, có thể cân nhắc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi xem xét chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ.
Bộ Công thương cho biết cũng đã làm việc và phối hợp với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 để đề nghị đưa vào nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn.
Vân Anh(T/h)