+Aa-
    Zalo

    2 chị em khổ sở vì có ngoại hình giống... Tây

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cả hai có nước da trắng hồng cùng nhiều vết đồi mồi, mũi to và cao, mắt xanh, lông mày và tóc vàng hoe, lông tay và chân dày đặc, xoăn và trắng…

    Cả hai có nước da trắng hồng cùng nhiều vết đồi mồi, mũi to và cao, mắt xanh, lông mày và tóc vàng hoe, lông tay và chân dày đặc, xoăn và trắng…

    Từ thị trấn Trà My, phải xuyên đường rừng hơn 50 km bằng xe máy rồi băng sông, leo núi hơn nửa ngày mới tới được nóc Nà Gai, làng Dưng, thôn 5, xã vùng cao Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

    Chưa từng tiếp xúc người nước ngoài

    Nóc Nà Gai có 8 hộ dân tộc Ca Dong với hơn 60 người. Tất cả là họ hàng, sinh sống quần cư từ bao đời nay và là hộ nghèo. Họ nói được tiếng Kinh nhưng hầu hết không biết chữ, trừ vài đứa trẻ đang học tiểu học ở trường cách nóc Nà Gai cả giờ đi bộ. Phần lớn người dân ở đây không nhớ chính xác năm sinh của mình. Họ sống đoàn kết, giữ được phong tục, bản sắc dân tộc.

    Đến nóc Nà Gai, gặp chị em Hồ Thị Dung và Hồ Văn Chin, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ họ là người châu Âu đến đây du lịch. Chin cao 1,72 m, Dung cao 1,63 m - hơn hẳn thanh niên trong xóm. Cả hai có nước da trắng hồng cùng nhiều vết đồi mồi, mũi to và cao, mắt xanh, lông mày và tóc vàng hoe, lông tay và chân dày đặc, xoăn và trắng…

    Bà Hồ Thị Sơn, mẹ của Dung và Chin, cho biết vợ chồng bà sinh được 8 con. Trong đó, 6 con lớn bình thường như người Ca Dong, đến  Dung và Chin thì khác hẳn. Dung sinh năm 1988, Chin ra đời sau đó 2 năm. Cuộc sống nơi rừng sâu khó khăn, thiếu thốn nhưng cả hai lớn nhanh và khỏe mạnh, càng lớn càng khác hẳn người Ca Dong. Như nhiều người khác, Dung và Chin cũng không được đi học.

    Khổ vì giống Tây
    Hồ Văn Chin và chị gái Hồ Thị Dung cùng con trai của cô.

    Già làng Hồ Văn Sết, sống ở nóc Nà Gai từ nhiều năm nay, kể lại: “Hồi chiến tranh, có lần bà Sơn bị thương ở chân. Lúc đó, tui bắt con rái cá ở suối Khe Dưng về làm thịt cho bà Sơn ăn, uống máu và mật. Sau đó, vết thương của bà Sơn lành hẳn. Tui nghi việc Dung và Chin giống Tây là do mẹ nó ăn thịt, uống mật và máu con rái cá”.

    Theo ông Hồ Văn Xía, chồng bà Sơn, nhiều đời của dòng họ ông đều sống quanh núi Mun, chưa bao giờ tiếp xúc với người nước ngoài. Trong chiến tranh, ông tham gia cách mạng nhưng chỉ hoạt động trong khu vực này chứ không đi xa. Đau ốm dùng lá, rễ cây và thú rừng để tự điều trị nên họ chưa bao giờ đến bệnh viện. “Chẳng biết con Dung và thằng Chin vì sao lại không giống người Ca Dong, chắc do ông trời đã định” - ông Xía nói.

    Theo ông Hồ Văn Dây,  nguyên trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Đốc, trường hợp của Dung và Chin rất khó lý giải.

    Khổ sở vì không bình thường

    Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho biết trừ người dân và cán bộ địa phương, ai gặp Dung và Chin cũng đều nghĩ là người nước ngoài. Ngay cả lãnh đạo trung ương về tặng quà Tết cho dân ở đây cũng không khỏi ngỡ ngàng khi gặp chị em họ.

    “Lúc rảnh rỗi, em theo bạn xuống thị trấn Trà My tìm việc làm nhưng khi gặp, ít ai chịu thuê. Rất nhiều lần em bị người lạ chào bằng tiếng gì đó. Thấy em không hiểu, họ mới hỏi bằng tiếng Việt và biết em là người Ca Dong. Tuy vậy, nhiều người vẫn không tin vì em nói tiếng Việt không rõ lắm. Thấy em da dẻ trắng trẻo, cao lều khều, nhiều người nghĩ không quen lao động nên không thuê."

    "Một lần, có người thuê em lột vỏ keo. Khi vào làm, cả nhóm làm thuê nhòm ngó, xao lãng công việc nên em bị chủ cho nghỉ” - Chin phân bua. Do vậy, Chin rất ít khi ra khỏi làng, chỉ quanh quẩn làm rẫy kiếm sống với gia đình.

    Hoàn cảnh Dung thì éo le hơn và đang phải nuôi con nhỏ. Năm 2005, một thợ săn tên Nhượng ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam lên núi Mun bẫy thú gặp Dung và nảy sinh tình cảm. Sau đó, Nhượng đưa Dung về quê ra mắt cha mẹ.

    Sau khi nghe Nhượng giải thích, gia đình tỏ ra thất vọng và phản đối ngay. Mẹ Nhượng cho rằng Dung không phải Tây cũng chẳng phải người Ca Dong, trắng trẻo như vậy, chắc chắn là lười lao động nên không đồng ý.

    Vì vậy, dù đã mang thai với Nhượng nhưng Dung phải về lại nóc Nà Gai sống. Sau đó, Nhượng có lên chăm sóc mẹ con Dung trong thời gian ngắn rồi bỏ đi. Con Dung là Hồ Văn Vĩ, 8 tuổi, đang theo học lớp 2 nhưng không giống Tây như mẹ.

    “Em rất buồn, cũng làm rẫy cực nhọc như người khác nhưng người ta thì tóc đen, da rám nắng, em thì da cứ trắng, tóc cứ vàng. Chồng cũng chẳng lấy được. Thằng Chin cũng vậy, con gái trong làng chẳng ai dám lấy. Nó phải sang huyện khác mới có người ưng. Mong sao con thằng Chin bình thường để khỏi phải lận đận” - Dung bộc bạch.

    Theo Người Lao Động

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/2-chi-em-kho-so-vi-co-ngoai-hinh-giong-tay-a22818.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan