(ĐSPL) - Nhiều năm nay, cứ đến 19h tối, khi nghe thấy tiếng trống trên loa phát thanh là tất cả học sinh xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa lại ngồi vào bàn học bài.
Ý tưởng kỳ lạ có "1 - 0 - 2"
Hay tin ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, có truyền thống học sinh học bài theo tiếng trống đem lại nhiều hiệu quả, phóng viên đã về đây để tìm hiểu rõ hơn về truyền thống này.
Được biết, ý tưởng “Tiếng trống hiếu học” kỳ lạ có 1 - 0 - 2 này là do ông Phạm Xuân Phương (57 tuổi, Chủ tịch hội khuyến học xã Nga Thạch) sáng lập từ năm 2011 và được duy trì đến nay. Ban đầu được gọi là tiếng kẻng hiếu học, sau đổi thành “tiếng trống hiếu học”.
Ông Phạm Xuân Phương - người nghĩ ra ý tưởng có "1-0-2" chia sẻ với phóng viên. |
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và pháp luật, trước khi có “tiếng trống hiếu học”, hội khuyến học xã và các trường đã phối hợp với nhau tối đến đi từng nhà kiểm tra việc học của các em. Nhưng sau một thời gian dài nhận thấy cách làm này không hiệu quả nên thôi.
Ông Phạm Xuân Phương vui vẻ cho biết: “Nhận thấy tình trạng học vấn của học sinh xã Nga Thạch thấp, là giáo viên về hưu và là Chủ tịch hội khuyến học của xã tôi rất lo lắng và tự nhủ phải tìm ra cách để cải thiện tình hình. Năm 2010, tôi tham mưu với chính quyền địa phương và kết hợp với các trường lập ra 'tiếng trống hiếu học' nhằm động viên, thôi thúc các cháu cố gắng học tập. 'Tiếng trống hiếu học' được thành lập từ năm 2011 và duy trì đến nay”.
Theo lời ông Phương, tiếng trống hiếu học được phát từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần vào lúc 19h tối trên loa phóng thanh không dây của xã. Giọng nam đọc trước, giọng nữ đọc sau và kéo dài hơn 2 phút. Sau nhạc hiệu va 3 hồi trống, nội dung chuyển tải là: "Hội khuyến học xã Nga Thạch xin thông báo, bây giờ đã đến giờ học buổi tối, yêu cầu các em học sinh ngồi vào góc học tập của mình. Đề nghị các bậc phụ huynh vặn nhỏ ti vi, đài, nói chuyện nhỏ để các cháu học bài, xin chân thành cảm ơn”.
Bất ngờ vì hiệu quả mang lại
Để "tiếng trống hiếu học" mang lại hiệu quả cao, theo sự phân công, các thầy cô giáo và cán bộ khuyến học các thôn không ngại khó khăn, vất vả đến từng nhà học sinh kiểm tra, động viên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đời sống và Pháp luật, ông Mai Văn Ngần, chủ tịch UBND xã Nga Thạch, cho biết, "Tôi thấy rất vui, nhờ tiếng trống hiếu học mà thành tích học tập của xã luôn luôn đứng trong tốp đầu của huyện. 5 năm qua, xã có 1 học sinh giỏi quốc gia, 28 học sinh giỏi cấp tỉnh, 460 học sinh giỏi cấp huyện và 1494 học sinh giỏi cấp trường”.
Hiểu được sự vất vả của các thầy cô giáo, các em học sinh nơi đây luôn cố gắng học tập. Nhiều khi đang ăn cơm, nghe thấy tiếng trống, nhiều học sinh bỏ cả cơm vào học bài.
Em Mai Văn Thành, học sinh lớp 8, cho hay: “Cứ 19h tối, khi tiếng trống vang lên cho dù em đang làm gì cũng bỏ hết để ngồi vào bàn học. Lúc đầu thì không quen, nhưng bây giờ đã thành thói quen với tất cả chúng em.”
Bất ngờ vì hiệu quả mang lại nhờ tiếng trống hiếu học, Cô Mai Thị Hường - Hiệu trưởng trường tiểu học Nga Thạch, không giấu nổi vui mừng: “Tiếng trống hiếu học là một phong trào tốt đối với học sinh, như một liều thuốc của giáo dục. Nhờ đó mà tinh thần tự giác học tập và kết quả học tập của các em học sinh được nâng cao”.
Đỗ Đức