+Aa-
    Zalo

    15 năm buôn hoa quả Trung Quốc và cái giá phải trả

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sắm sửa được cơ ngơi cho mình sau 15 năm buôn bán hàng hoa quả Trung Quốc nhưng gia đình anh chị phải gánh chịu những hậu quả thê thảm và đắt giá.

    Suốt 15 năm buôn bán hàng hoa quả Trung Quốc, hai anh chị đã sắm sửa được cơ ngơi cho mình, nhưng đồng thời cũng phải gánh chịu những hậu quả thê thảm do việc mình làm.

    Không dám ăn một miếng, song, do ngày nào cũng phải dùng tay nhặt hoa quả cân bán cho khách nên móng tay bị biến dạng xù xì giống như bị cho vào lửa đốt cháy… Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thoa quê ở Vĩnh Tường làm nghề bán hoa quả tại một khu chợ tự phát phục vụ công nhân ở khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

    Chị Thoa kể, từ năm 2000, cả hai vợ chồng chị đi buôn hoa quả về các chợ tại địa phương để bán lẻ kiếm lãi 100.000-200.000 đồng/ngày. Theo chị, vào thời điểm đó ngày kiếm được từng đó tiền là đã hơn rất nhiều so với việc ở nhà cấy lúa, trồng rau.

    Thấy thế, hai vợ chồng chị lại tiếp tục lấy buôn thêm các mặt hàng hoa quả khác để bán kèm vào và dần dần chuyển hẳn sang các loại hoa quả của Trung Quốc bởi giá khá rẻ, chỉ khoảng vài ngàn đồng/kg, loại đắt nhất cũng chỉ tầm 10.000-15.000 đồng/kg. Với mức giá đó thì rất hợp với túi tiền dân quê. Trong khi đó, Thổ Tang lại là thủ phủ của các loại hoa quả Trung Quốc giá rẻ, lấy bao nhiêu có bấy nhiêu, nguồn hàng không bao giờ khan hiếm.


    “Buôn hoa quả Trung Quốc, mỗi ngày hai vợ chồng tôi thường bán hết từ 3-5 tạ hoa quả các loại, trung bình thu lãi nửa triệu đồng/ngày, có hôm hàng bán chạy, hoa quả bị thối hỏng ít còn lãi cả triệu đồng”. Chị Thoa cho biết, chỉ cần đi buôn bán hoa quả Trung Quốc một tháng đã bằng cả năm ở nhà làm ruộng mà còn không phải chân lấm tay bùn.

    Chị Thoa khoe, cũng nhờ vào buôn bán hoa quả Trung Quốc mà năm 2008 hai vợ chồng chị đã xây được căn nhà hai tầng khang trang rộng gần 100m2 với đủ trang thiết bị tiện nghi. Đến năm 2010, cả hai vợ chồng tiếp tục đầu tư tiền mua hẳn một chiếc xe ô tô tải loại nhỏ phục vụ cho việc đánh hoa quả từ chợ Thổ Tang về khu chợ tự phát ở khu công nghiệp Khai Quang chuyên bán cho công nhân. Theo đó, cứ “mùa nào áo ấy” hai vợ chồng đánh xe ra chợ Thổ Tang nhập hoa quả với số lượng hàng tấn mỗi ngày.

    Mỗi ngày hai vợ chồng chị bán hết khoảng 1,5-2 tấn hoa quả Trung Quốc bao gồm các loại như: lê, táo, nho, quýt,… Và khoản lãi thu về cũng phải được 1,5-3 triệu đồng/ngày.


    Sau khoản lãi khổng lồ mà vợ chồng chị Thoa kiếm được nhờ vào công việc buôn bán hoa quả Trung Quốc, vợ chồng chị dường như cũng đang phải trả cái giá khá đắt. Chị Thoa kể, 15 năm trời đi bán hoa quả Trung Quốc nhưng gia đình chị chưa bao giờ dám ăn dù chỉ một quả bởi chính chị cũng không biết được chúng độc hại đến cỡ nào.

    Chỉ thấy, sau hơn 10 năm tiếp xúc với thứ hoa quả Trung Quốc này (chọn hoa quả và cân hoa quả cho khách) trực tiếp bằng tay mà giờ đây nhìn vào đôi bàn tay của cả hai vợ chồng chị ai cũng thấy chúng không còn bình thường như trước nữa.

    “Cả bàn tay và nhất là 10 đầu ngón tay tự nhiên cứ bị vàng ố, còn móng tay thì bị biến dạng xù xì hết cả lên giống như bị cho vào lửa đốt cháy dở”.

    Theo chị Hoa, công việc buôn bán kiếm cơm cho gia đình không thể bỏ được nên 3 năm nay, thay vì cầm nắm trực tiếp, cả hai vợ chồng đều phải đeo loại găng tay cao su mỗi khi chọn hoa quả cân bán cho khách để bảo vệ đôi bàn tay mình.

    “Người ngoài nhìn thấy hai vợ chồng tôi đeo găng tay khi bán hoa quả thường nghĩ vợ chồng tôi sợ bẩn nên làm vậy chứ chẳng ai ngờ rằng chính vì sợ tiếp xúc với thứ hoa quả này nên mới phải đeo găng tay”. chị Thoa nói thêm.

    Ngoài ra, chị Thoa cũng cho hay, hai vợ chồng chị vẫn giữ nghề buôn hoa quả kiếm cơm, song, thay vì buôn hàng Trung Quốc, cả hai đều quyết định chuyển dần sang buôn bán hoa quả của Việt Nam vì chính hai vợ chồng chị cũng cảm thấy sợ với các loại hoa quả Trung Quốc.

    Người xưa thường nói “thiện ác hữu báo”, làm việc tốt hay việc xấu thì đến một lúc nào đó trong tương lai, con người ta sẽ nhận lại được kết quả tương ứng. Chỉ có điều kết quả này thường đến chậm nên phần lớn người ta đều xem thường và tiếp tục làm những việc trái với đạo đức hay lương tâm của mình.

    Muốn được phúc báo, được may mắn trong cuộc đời, mỗi người chỉ có thể lựa chọn việc thiện, hành xử đúng mực trong mọi công việc mình làm, cho dù đó là việc kinh doanh buôn bán nhỏ. Nghĩ tới cái lợi cho người khác trước, giữ được đạo đức kinh doanh cũng chính là tự bảo vệ mình khỏi tai ương trong tương lai.

    Theo Gia đình Việt Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/15-nam-buon-hoa-qua-trung-quoc-va-cai-gia-phai-tra-a175774.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Mẹo nhận biết hoa quả Trung Quốc

    Mẹo nhận biết hoa quả Trung Quốc

    (ĐSPL) - Với tình trạng hoa quả Việt - Trung nhập nhèm như hiện nay, việc phân biệt đâu là hàng Việt, đâu là hàng Trung đang khiến nhiều bà nội trợ đau đầu.