11 trong tổng số 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương sẽ được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn và Doanh nghiệp Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả từ Bộ Công thương sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (“siêu” ủy ban).
Nhà máy Đạm Ninh Bình - một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Ảnh: VnExpress |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ có 11/12 dự án được chuyển về “siêu” ủy ban. Còn lại dự án nhà máy bột giấy Phương Nam sẽ tiếp tục bàn giao trong thời gian tới.
Mặc dù bàn giao song Bộ Công thương vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với siêu ủy ban thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khuôn khổ mới.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước – ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để xử lý tồn đọng liên quan đến các dự án bàn giao.
Trong quá trình xử lý các dự án yếu kém này, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhấn mạnh đến việc tăng trách nhiệm của người đứng đầu Tập đoàn, tổng công ty có dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Được biết, 12 dự án trên của ngành công thương được Chính phủ "điểm danh" và đưa vào danh sách các dự án thua lỗ nghìn tỷ từ cuối năm 2016. Trong số này có 5 dự án thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)...
Sau hơn 2 năm, Bộ Công Thương cho biết đã "xử lý được một số bước nhất định" nhưng vẫn còn những khó khăn như tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu; thiếu pháp lý trong xử lý, quyết toán hợp đồng EPC, đấu giá dự án...
Theo lộ trình được Bộ Công thương đưa ra trình Quốc hội trước đây, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý tồn tại ở các dự án này.
Vũ Đậu(T/h)