Thời sự quốc tế

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga tuyên bố sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân

Chủ Nhật, 15/12/2024 10:00:00 +07:00

(ĐS&PL) - Cùng Đời sống & Pháp luật nhìn lại những tin nóng cùng 10 phát ngôn gây chú ý trong tuần qua (8-14/12/2024).

"Chúng tôi đã thắng cược và lật đổ chính quyền Assad”

HTS và các lực lượng đồng minh bắt đầu mở chiến dịch tấn công quy mô lớn vào các thành phố do quân đội chính phủ kiểm soát kể từ cuối tháng 11.  Và chỉ trong vòng hai tuần, hàng loạt thành phố lớn của Syria thất thủ, phe nổi dậy kiểm soát thủ đô Damascus, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Ngày 8/12, một người dẫn chương trình truyền hình đã đọc bản tin đầu tiên trên truyền hình nhà nước Syria, sau khi lực lượng phiến quân tuyên bố lật đổ chính quyền của ông Assad.

"Đối với những người đã đặt cược vào chúng tôi và những người không đặt cược, đối với những người nghĩ rằng một ngày nào đó chúng tôi đã sụp đổ, chúng tôi xin thông báo với các bạn từ kênh tin tức Syria về chiến thắng của cuộc cách mạng Syria vĩ đại sau 13 năm kiên nhẫn và hy sinh", người dẫn chương trình Youssef Al-Youssef cho biết.

"Chúng tôi đã thắng cược và lật đổ chính quyền Assad. Chúng tôi xin giới thiệu bản tin tóm tắt về tòa nhà của Tổng cục Phát thanh và Truyền hình tại thủ đô Damascus của Syria do tôi, Youssef Al-Youssef, trình bày với các bạn", người dẫn chương trình tuyên bố, trước khi đọc bản tóm tắt tin tức ngắn gọn.

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga tuyên bố sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân - 1

 

Giờ phút cuối cùng của tổng thống Assad trước khi rời Syria

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Bashar al-Assad hầu như không tiết lộ với bất kỳ ai về kế hoạch rời khỏi Syria khi chính quyền của ông sụp đổ. Thay vào đó, các trợ lý, quan chức, thậm chí cả người thân của ông cũng không biết kế hoạch này.

Vài giờ trước khi rời Syria tới Moscow hôm 7/12, ông Assad đã tổ chức một cuộc họp gồm khoảng 30 chỉ huy quân đội và an ninh tại Bộ Quốc phòng. Ông nói với họ rằng hỗ trợ quân sự của Nga đang tới và kêu gọi lực lượng lục quân kiên trì chiến đấu.

Theo một phụ tá thân cận, ông Assad đã nói với người quản lý văn phòng tổng thống rằng, sau khi ông hoàn thành công việc, ông sẽ về nhà. Nhưng thay vào đó, ông lại đến sân bay.

"Ông Assad thậm chí còn không đưa ra nỗ lực chống trả cuối cùng. Ông thậm chí còn không tập hợp quân đội của mình. Ông để những người ủng hộ mình tự đối mặt với số phận của họ", Nadim Houri, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn khu vực Sáng kiến Cải cách Ả Rập, cho biết.

Sự ra đi đầy kịch tính này đã chấm dứt 24 năm cầm quyền của ông và nửa thế kỷ nắm quyền liên tục của gia tộc Assad, đồng thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 13 năm tại Syria.

"Chúng tôi sẵn sàng nhượng lại quyền lực của mình ngay khi được yêu cầu”

Reuters đưa tin, ngày 9/12, thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohammad al-Jolani đã gặp gỡ Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali để thảo luận việc chuyển giao quyền lực.

"Chúng tôi sẵn sàng nhượng lại quyền lực của mình ngay khi được yêu cầu. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân Syria", ông Jalali nói với kênh truyền hình Al Arabiya.

Trước đó, ông Jalani cũng tuyên bố hợp tác với phe đối lập và cam kết một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ, có hệ thống.

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga tuyên bố sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân - 2

 

Cuộc hội đàm 3 bên: Mỹ- Ukraine- Pháp

"Tổng thống Zelensky và Ukraine muốn đạt được thỏa thuận với Nga và chấm dứt sự điên rồ này. Họ đã mất 400.000 binh lính và nhiều dân thường hơn nữa. Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu", Tổng thống đắc cử Donald Trump bình luận trên mạng xã hội Truth Social hôm 8/12.

"Nếu xung đột tiếp diễn, nó có thể biến thành thứ gì đó lớn hơn nhiều và tồi tệ hơn nhiều", ông Trump nhận định. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm 3 bên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào ngày 7/12.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Macron cho biết cuộc họp tập trung vào "hành động chung vì hòa bình và an ninh".

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky mô tả các cuộc đàm phán là "tốt và hiệu quả", tập trung vào thực tế là "tất cả chúng ta đều muốn cuộc chiến này kết thúc càng sớm càng tốt và theo cách công bằng".

Nga sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân

"Điều chúng ta cần bây giờ không phải là cải thiện học thuyết hạt nhân mà là nâng cấp Oreshnik. Bởi vì, nếu nhìn vào thực tế, với một số lượng đủ lớn các hệ thống hiện đại này, chúng ta sẽ gần như không cần sử dụng vũ khí hạt nhân", Tổng thống Putin tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Xã hội Dân sự và Nhân quyền Nga hôm 10/12.

Ông Putin cho biết, Nga không thắt chặt mà đang nâng cấp học thuyết hạt nhân, liên quan đến những cập nhật gần đây về học thuyết hạt nhân của nước này. Ông giải thích rằng Nga cần cải thiện hệ thống tên lửa mới hơn là học thuyết hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Nga đã cảnh báo việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ "thay đổi đáng kể bản chất" của cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy không thể được vận hành nếu không có sự tham gia trực tiếp của lực lượng NATO.

Trước đó, tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả các vụ tấn công của Kiev bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào Nga. Oreshnik được cho là có tầm bắn 3.000-5000km.

Tổng thống Nga ngay sau đó cho biết đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới được thử nghiệm trong điều kiện tác chiến. Tên lửa này có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến nó gần như không thể đánh chặn.

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga tuyên bố sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân - 3

 

EU thừa nhận chưa thể "đoạn tuyệt" được năng lượng Nga

Quan chức cấp cao EU thừa nhận sau gần 3 năm cố gắng đoạn tuyệt với năng lượng Nga, Liên minh châu Âu đã chưa thể thực hiện được mục tiêu.

"EU đã không thể vượt qua được sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và cần một kế hoạch mới để đoạn tuyệt với nguồn cung từ Moscow", Ủy viên EU phụ trách về Năng lượng Dan Jorgensen cho biết ngày 12/12.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Jorgensen đã nhấn mạnh đến việc EU tăng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Theo Cơ quan Hợp tác và Quản lý Năng lượng, thị phần LNG của Nga trên thị trường EU đã đạt 20% trong năm nay, bất chấp cam kết của Brussels sẽ ngừng tiêu thụ nhiên liệu của Nga vào năm 2027.

"Rõ ràng là phải làm điều gì đó mới vì mọi thứ đang bắt đầu đi sai hướng". Ông đồng thời cam kết sẽ trình bày "một lộ trình cụ thể bao gồm các công cụ và phương tiện hiệu quả để chúng ta giải quyết phần còn lại của vấn đề", ông Jorgensen nói. 

Vị quan chức cho hay các biện pháp mới sẽ nhắm mục tiêu "chủ yếu vào khí đốt, nhưng cũng có cả dầu mỏ và hạt nhân" và sẽ được tung ra vào giữa tháng 3/2025. Ông đồng thời lưu ý rằng 5 nước EU vẫn phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hạt nhân.

Quốc hội Hàn Quốc thông qua đề xuất luận tội tổng thống

Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 bỏ phiếu thông qua luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vì ban bố lệnh thiết quân luật hôm 3/12. Ông Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay khi văn phòng của ông nhận được nghị quyết của quốc hội. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm thời đảm nhiệm quyền tổng thống trong khi chờ Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết về việc có luận tội, phế truất Tổng thống Yoon hay không.

"Mặc dù bây giờ tôi phải tạm thời đứng sang một bên, nhưng cuộc hành trình hướng tới tương lai không bao giờ được phép dừng lại. Tôi sẽ mang theo bên mình tất cả những lời chỉ trích, khuyến khích và hỗ trợ mà tôi đã nhận được và tôi sẽ cố gắng hết sức vì đất nước cho đến phút cuối cùng", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trên truyền hình ngày 14/12 sau khi quốc hội bỏ phiếu luận tội ông.

Tổng thống Yoon kêu gọi các quan chức nhà nước kiên định thực hiện nhiệm vụ của mình dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Han Duck-soo, người sẽ giữ chức quyền tổng thống.

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga tuyên bố sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân - 4

 

Ông Trump tuyên bố không nhận lương

Trong cuộc phỏng vấn với Kristen Welker của đài NBC, khi được hỏi liệu ông có định nhận lương tổng thống trong nhiệm kỳ tới không, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trả lời: "Tôi sẽ không nhận lương".

"Tôi sẽ từ bỏ rất nhiều tiền. Tôi cũng ngạc nhiên về điều đó, điều này có vẻ như không đúng, nhưng ngoài George Washington, tôi không chắc về thông tin này, mọi tổng thống đều đã nhận lương của họ, ngoại trừ tôi", ông Trump nói.

Khi được hỏi liệu ông có nhận lương hưu không, Tổng thống đắc cử Trump trả lời: "Tôi không nghĩ là tôi nhận bất cứ thứ gì".

"Tổng thống nhận được khoảng 450.000 USD một năm và tôi đã không nhận số tiền đó", ông Trump cho biết.

"Tôi đã và sẽ không nhận, và tôi không tin rằng tôi nhận được bất kỳ sự ghi nhận nào về điều đó, nhưng tôi chỉ cảm thấy đối với tôi, đó là một điều tốt đẹp cần làm", ông Trump nói, bày tỏ sự ngạc nhiên khi các tổng thống khác không làm như vậy.

Ukraine sai lầm lớn khi tấn công sâu vào Nga

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng các cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa tầm trung và tầm xa của phương Tây nhằm vào Nga đang khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

"Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc bắn tên lửa hàng trăm km vào lãnh thổ Nga. Tại sao chúng ta làm điều đó ", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Time ngày 12/12.

Theo Tổng thống đắc cử Mỹ, những cuộc tấn công như vậy của Ukraine "chỉ làm leo thang cuộc chiến này và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn".

"Điều đó lẽ ra không được phép diễn ra. Tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn, một sai lầm rất lớn", ông nhấn mạnh.

Theo ông, "điều nguy hiểm nhất hiện nay" là việc Ukraine bắt đầu bắn tên lửa tầm xa vào Nga sau khi nhận được sự đồng ý của các đồng minh, đối tác phương Tây.

10 phát ngôn gây "dậy sóng" thế giới tuần qua: Nga tuyên bố sở hữu tên lửa có thể thay vũ khí hạt nhân - 5

 

"Moscow không thể để khối thù địch đến gần biên giới Nga hơn"

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua 12/12 tuyên bố Nga không bao giờ chấp nhận Ukraine gia nhập NATO vì điều này về cơ bản sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia của đất nước.

"Tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là điều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi và việc kéo Ukraine vào NATO là một trong những lý do chính dẫn đến việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt", Thứ trưởng Ryabkov nói.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh thêm: "Moscow không thể để khối thù địch đến gần biên giới Nga hơn".

Ông cũng cho rằng phần lớn công dân Ukraine "không có chung cái gọi là tham vọng Đại Tây Dương" với giới lãnh đạo hiện tại ở Kiev.

Moscow coi việc NATO mở rộng hiện diện về phía Đông, ngày càng gần biên giới Nga là mối đe dọa. Một trong những điều kiện mà Moscow nêu ra nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine là Kiev phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO.

Mộc Miên
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/10-phat-ngon-gay-day-song-the-gioi-tuan-qua-nga-tuyen-bo-so-huu-ten-lua-co-the-thay-vu-khi-hat-nhan-a490065.html

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

Đã tặng:
Tặng quà tác giả
BÌNH LUẬN
Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
Tin liên quan