Trả lời chất vấn tại Quốc hội vào hôm 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã được các đại biểu chất vấn nhiều câu hỏi hóc búa về điều hành thị trường vàng, cũng như các giải pháp để vàng trong dân phát huy giá trị.
Liên quan đến điều hành thị trường vàng, các đại biểu đánh giá vẫn còn nhiều vấn đề mà NHNN Việt Nam cần làm để giải quyết tình trạng cung cầu vàng. Bởi có thời điểm vàng “sốt” và chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới rất cao.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung như các nước trên thế giới. Bà Hồng nói thế giới cũng đau đầu vì vàng, theo diễn biến thì giá vàng thế giới đã tăng hơn 50%.
Còn ở Việt Nam, định hướng chống “vàng hóa”, “đô la hóa” nền kinh tế đã được thực hiện từ năm 2013 qua Nghị định 24/2012. Từ đó đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định. Bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao dẫn đến giá vàng trong nước tăng cao nhưng cho đến trước thời điểm tháng 6-2024, NHNN chưa can thiệp. Từ tháng 6-2024, giá vàng quốc tế lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao. Trước khi can thiệp, giá vàng khoảng 2.300-2.400 USD/ounce.
“Để thu hẹp khoảng cách nhanh giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chúng tôi chuyển sang phương án bán trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đang từ mức 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng” - bà Hồng khẳng định.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, khi tắt sóng 2G, vấn đề đặt ra là bà con đang dùng máy 2G thì ai sẽ đưa cho bà con máy 4G?
Theo Bộ trưởng, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng phải bù, nhà mạng phải cầm máy công nghệ mới đưa cho bà con.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở các nước, khi nào công nghệ cũ 2G còn dưới 2% dân số dùng thì quốc gia quyết định dừng công nghệ đó và các nhà mạng phải hỗ trợ 2% người dân còn lại này.
“Do chúng ta công bố sớm, làm truyền thông tốt, nên đến lúc dừng mạng 2G (ngày 15.10) thì chỉ còn 0,2% người dùng 2G, tương đương khoảng trên 200.000 máy 2G. Các nhà mạng rất nhẹ nhàng khi bù máy cho bà con”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng khẳng định, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với công nghệ 2G; đồng thời có chính sách khu vực nào sóng bị “lõm” thì còn "bù" thêm.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế chiều 11/11, nhiều đại biểu quan tâm đến câu chuyện bác sĩ nghỉ việc khu vực công chuyển sang bệnh viện tư cũng như việc quản lý giấy phép hành nghề khám chữa bệnh trong ngành y.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết, thời gian qua, cử tri ngành y tế rất bức xúc về tình trạng cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào dẫn đến "một người có nhiều giấy phép hành nghề" và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau.
“Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề và đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật?”, đại biểu Thúy chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế cho hay, hiện nay theo quy định Luật Khám bệnh chữa bệnh và Nghị định 96/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám chữa bệnh 2023 và sửa đổi một số nội dung của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế có quy định "1 người chỉ có 1 giấy phép hành nghề".
"Ngành y đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép của người hành nghề", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bà cho biết, trước năm 2023, ngành y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đến thời điểm đó có hơn 430.000 người đưa vào quản lý trên tổng số hơn 600.000 hành nghề trên toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống này được xây dựng từ 2015 đến nay, khi xây dựng trên cơ sở hệ thống đóng.
Vì vậy, để quản lý, cập nhật, sử dụng, Bộ đang điều chỉnh nội dung, nâng cấp phần mềm này trên cơ sở kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến của các địa phương, quốc gia và sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong thời gian tới Bộ triển khai các giải pháp để có hệ thống thống nhất trên toàn quốc.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo sáng 9/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết chủ trương của Đảng và Nhà nước xác định giáo viên là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển lực lượng đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là việc sống còn của ngành Giáo dục.
"Nếu phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy", ông nói.
Vì vậy, Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; có chính sách đặc thù, đột phá để hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành Giáo dục, giúp người có tâm huyết đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quy định trong Luật. Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản quy định của pháp luật có liên quan. "Do vậy trong thời gian dài vừa qua có khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này", ông Diên nói.
Theo ông Diên, những năm 2019 - 2020, loại hình này đã phát triển khá mạnh ở Việt Nam, vì thiếu công cụ quản lý thuốc lá thế hệ mới nên Bộ Công Thương thời điểm đó đã đề xuất và được Chính phủ cho phép xây dựng đề án thí điểm để quản lý loại hình này. Khi lấy ý kiến, nhiều bộ ngành đồng ý với đề án của Bộ Công Thương, nhưng có bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế phản đối, cho rằng nó có hại cho sức khỏe.
"Từ đầu nhiệm kỳ mới đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, thống nhất nếu nó có hại với sức khỏe thì phải cấm. Chúng tôi kiên trì đề xuất sớm ban hành khung khổ pháp lý để cấm loại này. Chưa bao giờ Bộ Công Thương hay cá nhân tôi đề xuất tiếp tục đề án thí điểm này cả", ông Diên nói, đồng thời nhắn nhủ "đại biểu Hoàng Anh nhớ hơi lâu nhưng chưa đúng bản chất tình hình, bởi chúng tôi không đề nghị như thế".
Ông Diên cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh và cấp đăng ký thông báo cho website đăng ký kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Bộ cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến buôn lậu thuốc lá điện tử.
"Thời gian tới, Bộ Công Thương thống nhất đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm cho ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng với loại hình này, khắc phục khoảng trống pháp lý", ông Diên nêu.
Thời gian qua, công an các địa phương liên tục bắt giữ các nhóm "quái xế" điều khiển xe gây rối trật tự công cộng. Trong đó, nhiều trường hợp do cha mẹ giao xe máy cho con điều khiển rồi buông lỏng quản lý.
Mới đây nhất là vụ việc đau lòng xảy ra ngày 3/11, nhóm quái xế phóng xe tốc độ cao đã đâm cô gái đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư ở Hà Nội làm người này tử vong tại chỗ.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng 3, Cục CSGT) cho biết, thực tế có rất nhiều phụ huynh giao xe cho con em điều khiển khi đang ở lứa tuổi học sinh.
"Đáng buồn là một bộ phận cha mẹ, người giám hộ chưa quan tâm đến việc con em tham gia giao thông như thế nào, họ phó mặc cho xã hội, lực lượng chức năng quản lý", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Ông Văn Trần Hoàn, Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng cho biết vừa gửi kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng liên quan việc ĐT Việt Nam không thể thi đấu trên sân Mỹ Đình ở trận đầu tiên vòng bảng ASEAN Cup 2024 gặp ĐT Indonesia vì "vướng" tổ chức sự kiện khác.
"Tôi vừa là chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng, vừa là một cổ động viên. Bản thân tôi thấy rất buồn. Sân vận động Mỹ Đình là sân đa quốc doanh ưu tiên bóng đá là số 1, nhưng để nhường sân bóng đá cho chương trình ca nhạc, tôi thấy vô lý, mặc dù chất lượng sân Mỹ Đình đã xuống cấp. Tôi đã từng ủng hộ việc đưa ĐT Việt Nam về các địa phương khác thi đấu như là cách để quảng bá du lịch cho địa phương đó, nhưng không thể chấp nhận nhường sân Mỹ Đình cho một chương trình ca nhạc", ông Hoàn chia sẻ.
Chung kết Hoa hậu Quốc tế 2024 đã diễn ra tối 12/11 theo giờ Việt Nam với chiến thắng thuộc về đại diện Việt Nam - Huỳnh Thị Thanh Thủy. Phát biểu sau khi đăng quang, Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy khẳng định mình là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên đến với cuộc thi Hoa hậu Quốc tế và cũng là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên có vương miện tại sân chơi này.
“Tôi là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên đến với cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International), và bây giờ đã trở thành Miss International người Việt Nam đầu tiên. Cuối cùng, điều này chứng minh rằng tôi xứng đáng với tất cả tình yêu thương từ những người thân yêu, những người bạn của tôi từ Việt Nam và trên toàn thế giới”, Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy nói.
Ông Donald Trump tái đắc cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5/11 trước ứng viên Dân chủ Kamala Harris. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng không nêu giải pháp cụ thể.
Đội ngũ của ông Trump được cho là đã định hình chính sách đối ngoại cho chính quyền sắp tới, trong đó có chính sách với Ukraine.
"Tổng thống Trump có ý định vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống mới của mình sẽ đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột này", bà Karoline Leavitt, Thư ký báo chí quốc gia của chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump, cho biết hôm 11/11.
Trước đó, bà Leavitt nói rằng ông Trump sẽ đảo ngược các sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Joe Biden bằng cách ký hàng chục sắc lệnh hành pháp có liên quan trong tuần đầu tiên sau khi ông chính thức nhậm chức.
Ngày 16/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Kiev sẵn sàng đàm phán kết thúc xung đột với Moscow, đồng thời bày tỏ Mỹ sẽ giữ vững lập trường ủng hộ Ukraine.
"Chúng ta cần làm mọi thứ có thể để kết thúc cuộc xung đột trong năm 2025, tất nhiên là bằng các biện pháp ngoại giao", ông Zelensky cho biết.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, các cuộc thảo luận sẽ chỉ trở nên nghiêm túc sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, tức vào tháng 1/2025. Sự ủng hộ của ông Trump có ý nghĩa rất lớn với Kiev, bởi nếu đàm phán "đơn độc với" Moscow trong bối cảnh hiện tại, Ukraine sẽ thua ngay từ đầu.
"Mỹ không thể tỏ ra trung lập, họ cần phải giữ vững lập trường ủng hộ Ukraine, đây là nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào", ông Zelensky nói.