Yêu cầu rà soát việc hợp tác với 6 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    Yêu cầu rà soát việc hợp tác với 6 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

    (ĐS&PL) - Bộ TT&TT vừa yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam.

    Báo Tuổi trẻ đưa tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa chính thức yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam để đảm bảo không vi phạm các quy định. Các doanh nghiệp gồm: Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI và Hồ Nam.

    yeu cau ra soat viec hop tac voi 6 doanh nghiep nuoc ngoai cung cap dich vu truyen hinh tra tien
    Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng rà soát việc hợp tác với Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI và Hồ Nam. Ảnh: An ninh thủ đô

    Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), Nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 06 năm 2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, buộc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam phải có giấy phép cung cấp dịch vụ.

    Do đó, việc rà soát nhằm đảm bảo nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. 

    Qua đó, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng chưa có giấy phép.

    Cũng theo Bộ TT&TT, qua báo cáo, Netflix xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới tại Việt Nam. 2 doanh nghiệp IQIYI, Tencent của Trung Quốc và doanh nghiệp Apple của Mỹ sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Riêng 2 công ty Hồ Nam (Trung Quốc) và Amazon (Mỹ) sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.

    Với hiện trạng trên, Bộ TT&TT cho biết đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động phổ biến phim trên mạng với 4 doanh nghiệp gồm Netflix, Apple, Tencent và IQIYI. 

    Đồng thời chỉ đạo các sở Văn hóa - thể thao và du lịch rà soát, không chấp thuận việc quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của những đơn vị này, khi doanh nghiệp chưa thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về phổ biến phim trên mạng hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

    Thông tin trên Vietnamnet, trước đó, tại cuộc họp báo hồi tháng 10/2022 giới thiệu về những điểm mới của Nghị định 71, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã nhấn mạnh, Nghị định này truyền đi thông điệp từ Chính phủ Việt Nam là quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình trên cùng một mặt bằng pháp lý, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

    Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, được kỳ vọng sẽ đảm bảo quản lý lĩnh vực phát thanh, truyền hình theo hướng hiện đại, phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển. 

    Trong kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh truyền hình đến năm 2025, Bộ TT&TT đã xác định các mục tiêu như tăng thuê bao truyền hình trả tiền từ 17 triệu lên 25 triệu người dùng, tăng doanh thu truyền hình trả tiền từ 9.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, tăng thuê bao truyền hình trả tiền OTT TV từ 3 triệu lên 12 triệu, tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng…

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/yeu-cau-ra-soat-viec-hop-tac-voi-6-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-cung-cap-dich-vu-truyen-hinh-tra-tien-a572755.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày