Tình trạng kéo dài nhiều năm
Hiện nay, trên địa bàn 2 xã Chấn Thịnh và Bình Thuận (Văn Chấn, Yên Bái) đang tồn tại thực trạng đổ thải tùy tiện, đào bới tràn lan gây bụi bặm, tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống người dân.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tình trạng này xuất hiện nhiều nhất là ở thôn Bồ 2 và Bồ 3 xã Chấn Thịnh. Điểm đào bới đất nằm ngay phía trên nhà dân, có nhiều nguy cơ sạt lở đe dọa mất an toàn với những ngôi nhà phía dưới cách đó không xa.
Tại thời điểm quan sát, phóng viên thấy 2 cỗ máy xúc đồ sộ, liên tục vục những gầu đất lớn trút lên thùng xe Howo 4 chân, sau đó đoàn xe lần lượt xuống núi và tỏa đi các ngả đường để đổ thải ở bất cứ đâu, từ khe suối hay vườn tược. Việc này khiến hàng Km bờ đường đỏ ối, nắng thì bụi mịt mù, mưa thì bùn lầy lội.
Trên tuyến đường đi đổ thải qua nhiều trường học, trong đó có cả trường mầm non. Các xe tải lớn còn đi vào đường hẹp, gây ách tắc giao thông, vương vãi đất đá đầy mặt đường.
Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, ông Hà Văn Khánh - Trưởng thôn Bồ 2 cho biết: “Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Nguyên thôn này cũng có tới gần chục điểm do người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Ví dụ như chỗ đang đào bới đầu thôn là của nhà bà Hà Thị Hồng cùng với 7-8 hộ khác nữa, bán lại đất đồi cho nhà máy chế biến quặng sắt làng Mỵ”.
“Còn việc đổ thải vung vãi khắp nơi cũng là do nhu cầu của bà con. Ai cũng muốn lấn chiếm cho rộng thêm một chút nên mới yêu cầu người ta đổ như vậy. Thôn cũng chỉ dám nhắc nhở họ làm sao cho gọn thôi chứ đâu có quyền hành gì mà cấm đoán được” - ông Khánh bộc bạch.
Cũng theo một số người dân nơi đây, trước đó, hàng chục quả đồi khác cũng bị băm vạt thành vách dựng đứng. Taluy cao hàng chục mét sau khi lấy hết quặng sắt, thì người ta bỏ nguyên hiện trạng, chẳng thèm đoái hoài tới nữa, thành thử các hầm hố taluy vô tình biến thành những cái bẫy khổng lồ, gây nguy hiểm cho người và gia súc.
Tương tự như ở xã Chấn Thịnh, ngay khu vực thôn Dẹ 2 (xã Bình Thuận) xuất hiện nhiều máy xúc, đang hối hả vục những gầu đất khủng. Tứ bề đồi núi đều bị băm gặm nham nhở đỏ ối, đoàn xe thi nhau lên xuống đổ thải nhưng sau đó đột ngột dừng lại, tản đi khắp nơi khi thấy bị ghi hình.
Tại thôn Rịa 1 (xã Bình Thuận) cũng có 2 điểm khai thác triệt để, chỉ cách nhau vài ba trăm mét, với những quả đồi lớn bị băm vạt không thương tiếc, thành vách dựng đứng, địa hình biến dạng. Hiện tại, một điểm mới ngừng hoạt động. Điểm thứ hai vẫn đang trong quá trình bóc đất mặt.
Nhà máy tự thỏa thuận với người dân đổ đất thải?
Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Cao Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Diện tích đất toàn xã trên 5.000ha nhưng người ta chỉ khai thác thăm dò ở những địa điểm nhất định. Nên diện tích bị ảnh hưởng chỉ rơi vào khoảng 1 – 2ha.
Trong quá trình thăm dò, nếu gặp quặng sắt thì cũng tận thu luôn chở về nhà máy. Có điều khi làm xong, họ lại bỏ nguyên hiện trạng khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, khi báo cáo sở Tài nguyên và Môi trường thì họ giải trình rằng, mới tạm dừng để thăm dò chỗ khác, chứ chưa khai thác xong, nên chưa hoàn thổ.
Mặt khác, nhà máy quặng sắt làng Mỵ cũng không bố trí được chỗ đổ thải nên cứ tự thỏa thuận với người dân. Vậy nên người được hưởng lợi thì im lặng, người không được hưởng lợi lại có ý kiến phản ánh”.
Ở một diễn biến liên quan, khi phóng viên đến UBND xã Chấn Thịnh liên hệ làm việc, sau nhiều lần lấy lý do bận tập huấn thì Chủ tịch xã đã trả lời thẳng thừng không tiếp phóng viên, do tình hình dịch bệnh phức tạp. Mặc dù được đề nghị trả lời và cung cấp tài liệu qua e-mail, nhưng sau đó vị này không hồi âm.
Trong buổi làm việc với phóng viên ngày 1/12/2021, ông Cao Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Văn Chấn thông tin: “Trên địa bàn xã Chấn Thịnh có nhà máy quặng sắt làng Mỵ, thuộc công ty Phát triển số 1. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị này đang dừng hoạt động, để củng cố lại các hồ chứa đảm bảo an toàn xả thải, cũng không rõ là họ đã hoạt động lại chưa?”.
Ông Cao Trường Giang cho biết thêm: “Riêng mỏ sắt làng Mỵ kéo dài khoảng 10km, có nhiều thân quặng nằm tập trung ở 6 – 7 xã, mặc dù Công ty này (công ty Phát triển số 1-PV) rất ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng cũng không thể hết được những thiếu sót... Còn vấn đề xả đất thải, do địa hình miền núi nhiều chỗ cao thấp nên doanh nghiệp và người dân tự tạo điều kiện cho nhau. Ví dụ chỗ nào người dân cần san lấp thì phía doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho không đất”.
Về việc hiện tại rất nhiều điểm khai thác xong, không hoàn thổ, ông Giang trả lời: “Do vẫn đang trong quá trình thăm dò khai thác, họ chưa đóng cửa mỏ nên doanh nghiệp chưa thực hiện hoàn thổ”.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ, gửi nội dung, câu hỏi, đặt lịch làm việc với sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, vẫn chưa được giải đáp.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ vấn đề, nhằm ngăn chặn những tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Đỗ Tuấn