Khi trên địa bàn có tình huống phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh là tất yếu, chính vì vậy việc các em học sinh không thể đến trường học tập như bình thường cũng là nội dung bất khả kháng, cần linh hoạt thích ứng.
Để khắc phục những hạn chế, thiệt thòi có thể ảnh hưởng tới các em học sinh, phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, cố gắng và nỗ lực cao nhất để các em được học tập trong điều kiện phòng, chống dịch. Các phương thức dạy học qua internet được khai thác triệt để nhằm hoàn thành chương trình theo quy định. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc triển khai dạy học trực tuyến tại các địa bàn xã, phường đang có dịch diễn biến phức tạp với quyết tâm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau” trong việc học tập. Tuy nhiên, khi triển khai dạy học trực tuyến cũng phát sinh những vấn đề mới. Qua khảo sát của phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên, một số học sinh thuộc con em hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình diện đối tượng chính sách còn gặp khó khăn về kinh tế, chưa thể đáp ứng yêu cầu về máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng để con em mình có thể thực hiện hình thức học trực tuyến.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã, hiện nay trên địa bàn thị xã có 29.334 học sinh phổ thông thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên quản lý, trong số đó có 197 học sinh thuộc 18 xã, phường trên địa bàn thị xã Phổ Yên không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị học tập. Bên cạnh đó cũng nảy sinh những vấn đề bất cập cụ thể như sau: Một bộ phận người dân và các em học sinh còn thiếu kỹ năng về máy tính, gói dịch vụ Internet hạn chế dung lượng, tốc độ đường truyền Internet một số nơi chưa cao, chưa đồng đều, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt…Những khó khăn nêu trên là những bất cập ảnh hưởng tới công tác giảng dạy và học tập trong các nhà trường.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động kịp thời, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc chính là để khắc phục những hạn chế này. Thực hiện kế hoạch số 2097/ KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 16/9/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Công văn số 1495/UBND-GDĐT ngày 17/9/2021 của UBND thị xã Phổ Yên về việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành Giáo dục chung tay ủng hộ Chương trình “ Sóng và máy tính cho em” .
Tổ chức vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã, các tổ chức, cá nhân khác quyên góp ủng hộ thiết bị học tập trực tuyến dưới hai hình thức: Bằng tiền mặt và bằng hiện vật. Riêng đối với hiện vật là các thiết bị có thể sử dụng học tập trực tuyến như máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh…(máy mới hoặc đã qua sử dụng còn dùng được và sử dụng được phần mềm học trực tuyến) sẽ được tổ chức trao tại cơ sở giáo dục.
Sau hơn 1 tháng phát động, tính đến hết ngày 20/10/2021, toàn ngành đã có 1889 cán bộ giáo viên tham gia ủng hộ với tổng kinh phí: 293.959. 000 đồng. Chương trình “Sóng và máy tính cho em„ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi nguồn hỗ trợ này được gom góp từ chính các thầy cô giáo thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Phổ Yên. Với kinh phí từ chương trình, các em học sinh nghèo sẽ được hỗ trợ phương tiện và thiết bị dạy học, đáp ứng nhu cầu cấp bách về điều kiện học trực tuyến đảm bảo trong công tác phòng dịch covid – 19 trên địa bàn thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Thu Hà