8 người chết, 1.300 người bị thương trong các cuộc xung đột giữa 20.000 người Palestine tham gia tuần hành dọc biên giới phía Đông Dải Gaza và quân đội Palestine .
Tân Hoa Xã dẫn các nguồn tin từ Palestine, xung đột giữa lực lượng biên giới Israel và người tuần hành đã khiến tám người Palestine thiệt mạng và khoảng 1.300 người khác bị thương.
Đây là đợt tuần hành quy mô lớn thứ hai trong sáu tuần biểu tình của người dân Palestine phản đối Israel mang tên "Great March of Return.”
Những người tham gia đã đốt hàng trăm lốp xe và ném đá vào binh sỹ Israel qua hàng rào biên giới. Trong khi đó, phía binh lính Israel đáp trả bằng hơi cay và đạn thật.
Giới chức Y tế tại Dải Gaza cũng cho biết hơn 400 người Palestine đã được đưa tới các bệnh viện và các trung tâm y tế. Hiệp hội Nhà báo Palestines cho biết có ít nhất sáu phóng viên đã bị trúng đạn và bị thương tại hiện trường khi các vụ đụng độ xảy ra.
Người biểu tình Palestine bị thương khi đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Dải Gaza. Ảnh: Al Jazeera |
Cuộc tuần hành lớn thứ hai với quy mô nhỏ hơn diễn ra chỉ một tuần sau các cuộc tuần hành tương tự cũng dẫn tới tình trạng bạo lực khiến 20 người Palestine thiệt mạng hôm 30/3 vừa qua.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngay trong ngày 6/4, Đại sứ Kuwait và Palestine tại Liên Hợp Quốc đã lên án việc quân đội Israel giết hại người biểu tình Palestine tại Dải Gaza.
Đại sứ Kuwait tại Liên Hợp Quốc Mansour al-Otaibi ngay lập tức chỉ trích hành động này của Israel. “Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với các hành động giết hại và làm bị thương người biểu tình Palestine. Một lần nữa chúng tôi kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cần phải có các cuộc điều tra độc lập và minh bạch đối với vụ việc này. Chúng tôi cũng khẳng định tầm quan trọng của việc quốc tế phải đưa ra biện pháp bảo vệ người Palestine”, Đại sứ al-Otaibi nói.
Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyadh Mansour khẳng định, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải gánh vác trách nhiệm tái khẳng định quyền của dân thường Palestine thể hiện quan điểm của mình. Ông nhấn mạnh, đây là quyền được đảm bảo đối với tất cả những người dân.
Các cuộc tuần hành được tổ chức nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. Ngày đầu tiên đợt tuần hành đánh dấu "Ngày Đất đai" của người Palestine, khi chính quyền Israel tuyên bố tịch thu đất ở Galilee và Negev vào năm 1976, dẫn tới các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Palestine tại Israel.
Đợt tuần hành kéo dài sáu tuần cho đến khi Trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14/5 tới. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 khiến người Palestine phẫn nộ vì Palestine xác định khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.
Nhân Văn (T/h)