Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat đã tiết lộ chi tiết về kế hoạch hòa bình của Mỹ để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg. |
Ông Saeb Erekat đã trình bày kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phác thảo cho xung đột giữa Palestine và Israel tại cuộc họp Hội đồng Trung ương Palestine diễn ra vào ngày 14-15/01 ở Ramallah.
Theo đó, kế hoạch hòa bình cho Palestine và Israel gồm 13 điểm chính. Gạch đầu dòng đầu tiên đề cập đến việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Mỹ sẽ chuyển Đại sứ quán nước này tới Jerusalem. Điều này có nghĩa là “kết thúc các tranh cãi về vấn đề Jerusalem”, bởi không có chính phủ nào của Israel sẽ đàm phán về Jerusalem sau khi chính quyền Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Điểm thứ hai của kế hoạch nhắc đến việc thành lập thủ đô tương lai của Palestine ở ngoại ô Jerusalem. Các báo cáo truyền thông đã từng nhận định rằng thị trấn Abu Dis, gần Jerusalem, đã được đề xuất là thủ đô của Palestine.
Phác thảo thứ ba trong kế hoạch cho biết, chính quyền Mỹ sẽ chấp thuận việc sáp nhập các khu định cư chính vào Israel trong vòng hai đến ba tháng. Cũng theo báo cáo trình bày của ông Erekat, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề xuất sáp nhập 15% trong số các khu định cư trong khi Trump đề nghị mức 10%.
Điểm thứ tư chỉ ra rằng, chính quyền Washington sẽ công bố một “khái niệm an ninh chung cho Israel và Palestine”, bao gồm: Một nhà nước Palestine phi quân sự với lực lượng cảnh sát mạnh mẽ; thiết lập quan hệ hợp tác an ninh, quốc tế, khu vực và song phương với sự tham gia của Jordan, Ai Cập và Mỹ; các lực lượng Israel sẽ duy trì sự hiện diện dọc theo sông Jordan và các ngọn núi trung tâm của Bờ Tây để bảo vệ hai quốc gia; Israel sẽ có trách nhiệm đảm bảo an ninh trọng yếu trong các tình huống khẩn cấp.
Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine Saeb Erekat. |
Theo báo cáo trình bày của ông Erekat, điểm thứ năm trong kế hoạch của ông Trump đề cập đến việc các lực lượng của Israel sẽ rút khỏi khu vực A và B ở Bờ Tây và một số điểm ở vùng C. Sau đó Palestine sẽ được thông báo phạm vi biên giới.
Ông Erekat cho hay, các gạch đầu dòng thứ sáu và thứ bảy nhắc đến việc công nhận Israel là “quê hương của người Do Thái và nhà nước Palestine là quê hương của người dân Palestine”.
Nội dung ở điểm thứ chín trong kế hoạch gợi ý rằng, Israel nên phân bổ một phần các cảng Ashdod và Haifa, và sân bay Ben Gurion cho Palestine sử dụng, trong khi Israel duy trì sự kiểm soát an ninh tại cổng vào và ra của các cảng, sân bay này.
Điểm thứ mười của kế hoạch là việc xây dựng một con đường đi lại an toàn giữa Bờ Tây và dải Gaza.
Điểm thứ mười một cho thấy, người Palestine sẽ quản lý các giao lộ quốc tế tuy nhiên Israel sẽ duy trì sự kiểm soát an ninh tối đa.
Điểm thứ mười hai đề cập đến “lãnh hải, không phận và sóng điện từ” sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Israel mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của Palestine.
Cuối cùng, điểm thứ mười ba của kế hoạch kêu gọi một “giải pháp cho vấn đề người tị nạn ở Palestine”.
KÔNG ANH (Theo Middleeastmonitor)