Theo báo VOV, cuộc tranh luận Tổng thống giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris đã khép lại, những nhiều câu hỏi lớn vẫn đang để ngỏ, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. Theo các nhà quan sát, nếu tái đắc cử, nhiều khả năng, ông Trump sẽ nỗ lực buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từng làm việc trong chính quyền Trump cũng đưa ra cảnh báo rằng, việc rút Mỹ ra khỏi NATO và chặn dòng chảy viện trợ sẽ là bước đầu tiên trong kế hoạch “ép Kiev giương cờ trắng” của ông Trump.
Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nếu ông Trump thắng cử?
Hôm 11/9, Ngoại trưởng Anh David Lammy đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để tham dự một loạt cuộc họp với giới chức nước chủ nhà nhằm thảo luận về vấn đề hỗ trợ cho quốc gia Đông Âu này. Ông Lammy nhấn mạnh cam kết của Vương quốc Anh trong việc "cung cấp cho Ukraine những gì cần thiết để chống lại các đợt tấn công của Nga".
"Cùng với Mỹ, chúng tôi kiên quyết sát cánh cùng Ukraine, cho đến khi nào còn cần thiết", ông Lammy nói.
Đi cùng ông trong chuyến đi này là người đồng cấp Mỹ - Ngoại trưởng Antony Blinken, người cho biết ông muốn nghe trực tiếp từ chính phủ Ukraine về "những gì Washington có thể làm" để giúp đỡ nước này.
Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy tám tuần nữa, Mỹ có thể bầu ra một tổng thống có thái độ rất khác đối với chính sách ủng hộ Ukraine như hiện nay. Trong cuộc tranh luận với đối thủ Kamala Harris, ông Donald Trump đã nói rõ rằng ưu tiên của ông không phải là giúp Ukraine giành chiến thắng – bằng cách đẩy lùi Nga về phía bên kia biên giới – mà là chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm.
Ông Trump đã tuyên bố ông sẽ làm điều này nếu được bầu vào ngày 5/11 tới, thậm chí trước khi tiếp quản vị trí tổng thống từ ông Joe Biden. Hồi cuối tháng 6, các cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình bày một ý tưởng chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine nếu cựu Tổng thống có thêm một nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Theo đó, nếu Kiev từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, ông Trump có thể rút viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngược lại, nếu Nga không ngồi vào bàn đàm phán, Mỹ thậm chí sẽ viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.
Theo tờ The Scotsman, mục đích của ông Trump là buộc hai bên phải đối diện nhau trên bàn đàm phán để quyết định kết quả của cuộc xung đột, thay vì đối đầu nhau trên chiến trường.
Đề xuất bất khả thi
Đề xuất của ông Trump không nhận được sự đồng thuận từ bất kỳ bên nào. Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố rằng sẽ không từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào để đổi lấy hòa bình; trong khi đó, người đồng cấp Nga Putin cũng nhiều lần nhắc đến khả năng sẽ sử dụng tới vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Hy vọng của Ukraine về việc gia nhập NATO để đảm bảo an ninh quốc gia cũng có thể bị dập tắt để phòng ngừa những động thái mạnh mẽ tiếp theo của Nga. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump cũng đi kèm với viễn cảnh Mỹ sẽ tự gạch tên mình ra khỏi NATO – một liên minh quân sự do chính nước này thành lập.
Cũng trong buổi tranh luận ngày 12/9, ông Donald Trump tuyên bố rằng ông sẽ không tham gia một cuộc tranh luận tổng thống khác với bà Harris trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11 tới, sau khi một số cuộc thăm dò cho thấy đối thủ Đảng Dân chủ của ông đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận vào đầu tuần này.
"SẼ KHÔNG CÓ CUỘC TRANH LUẬN THỨ BA!". Cựu tổng thống Mỹ viết trên trang mạng xã hội Truth Social. Theo dữ liệu của Nielsen, cuộc tranh luận đã thu hút 67,1 triệu người xem truyền hình.
Bà Harris, phát biểu tại một cuộc mít tinh ngay sau khi ông Trump đăng bài viết trên, đã tiếp tục thách thức cựu tổng thống. "Chúng ta nợ cử tri một cuộc tranh luận khác", bà như gửi lời "tuyên chiến" đến đối thủ bên Đảng Cộng hòa, báo Tuổi Trẻ thông tin.