(ĐSPL) - Cộng đồng du học sinh Việt Nam vừa nhận một bức tâm thư chân thành và tâm huyết từ ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Úc, ông Lương Thanh Nghị nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Việt Nam có gần 30.000 du học sinh đang học tập tại Úc. Đây cũng là nước dẫn đầu về số lượng du học sinh Việt tại nước ngoài (tiếp sau là Mỹ với gần 20.000 du học sinh).
Nhân dịp năm mới, ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Úc đã gửi một bức tâm thư đến cộng đồng du học sinh Việt Nam.
Trong thư, ông Lương Thanh Nghị đã bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ rất chân thành với cộng đồng du học sinh.
Ông viết: “…Một phần khác của nhiều du học sinh là các công việc nặng nhọc, thậm chí lấm lem để bù vào phần thiếu hụt mà gia đình hỗ trợ, vừa phải cố gắng, nỗ lực hết mình để khắc phục khó khăn về ngôn ngữ, và đuổi kịp các bạn bè quốc tế trong môi trường học thuật khắt khe, khắc nghiệt. Bất kể đêm 30 Tết hay sáng mùng Một, nhiều lưu học sinh vẫn ca kíp, vẫn lăn lộn ngoài đường”.
Dù mới nhận nhiệm vụ trở thành Đại sứ Việt Nam tại Úc được 1 năm nhưng ông Lương Thanh Nghị đã đi hầu hết các bang tại Úc và trò chuyện với du học sinh để nắm bắt tâm tư, tình cảm của cộng đồng.
Đại sứ Việt Nam Lương Thanh Nghị đến chào Toàn quyền Australia Quentin Bryce. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam |
Dưới đây là toàn văn bức thư của Đại sứ Lương Thanh Nghị gửi du học sinh nhân dịp Tết cổ truyền:
Các bạn lưu học sinh thân mến,
Thế là một cái Tết lại đến. Mừng xuân mới, tôi không chúc các bạn vui vẻ, hạnh phúc hay thành công, vì với tôi nếu không buồn sao cảm được vui, không khổ sao biết thế nào là sướng, và không bại thì sao có thành.
Với các bạn, tương lai rộng mở đang chờ đợi ở phía trước. Vì thế, tôi chúc các bạn tìm thấy đam mê và có đủ dũng cảm, kiên trì để theo đuổi khát vọng của mình.
Không có cái náo nức đón mừng Xuân mới đang len lỏi trên khắp các ngõ phố, trong mỗi gia đình nơi quê nhà, tôi chia sẻ với các bạn cảm giác cô đơn nơi xa hương, nỗi nhớ cha mẹ và gia đình, thèm mùi trầm hương thoang thoảng từ ban thờ gia tiên, và cả sự xao xuyến khi không được sum họp bên người thân.
Một cuộc điện thoại ngắn với ông bà, cha và mẹ, nói mọi điều vẫn ổn, vẫn vui, nhưng lòng bỗng chốc nghẹn ngào. Tôi vẫn nhớ cảm giác đó khi lần đầu tiên đi học ở nước ngoài và chắc các bạn cũng đã trải qua những khoảnh khắc như vậy.
Tôi cũng chia sẻ với các bạn những nỗi nhọc nhằn của lưu học sinh khi xa nhà. Có thể, nhiều người hình dung du học tại Australia là những giảng đường rộng lớn, những thư viện đẹp long lanh, là sự trải nghiệm trong một xã hội hiện đại, là khám phá thiên nhiên kỳ vĩ của xứ sở Chuột túi.
Quả thực, đó chỉ là một phần. Một phần khác của nhiều du học sinh là các công việc nặng nhọc, thậm chí lấm lem để bù vào phần thiếu hụt mà gia đình hỗ trợ, vừa phải cố gắng, nỗ lực hết mình để khắc phục khó khăn về ngôn ngữ, và đuổi kịp các bạn bè quốc tế trong môi trường học thuật khắt khe, khắc nghiệt.
Bất kể đêm 30 Tết hay sáng mùng Một, nhiều lưu học sinh vẫn ca kíp, vẫn lăn lộn ngoài đường.
Một thoáng buồn, nhưng các bạn rất đáng hãnh diện. Trong khi nhiều bạn trẻ ở Việt nam có thể vẫn sống trong sự bao bọc, lo lắng của mẹ cha, thì các bạn đã dám bước ra khỏi ngôi nhà êm ấm để trải nghiệm thế giới bên ngoài, chấp nhận thử thách trong một môi trường xa lạ.
Xa nhà là tự nấu cơm, tự giặt quần áo, là tự dậy đúng giờ để ra kịp xe bus, là tự biết lo toan, kế hoạch cho cuộc sống, và tự ứng phó với các biến đổi của hoàn cảnh. Các bạn cảm nhận được giá trị của sức lao động, hàm lượng trí tuệ và chuyên môn cũng như từng đơn vị thời gian dành cho công việc mình đang làm.
Dù vất vả, dù gian nan, dù khó khăn còn bề bộn, các bạn đang trưởng thành, đang học cách bước trên đôi chân, sống bằng trái tim, khối óc của mình.
Các bạn thân mến,
Ngày 27/2/2015 đánh dấu một năm tôi trình Quốc thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chính thức trở thành đại diện của Việt Nam bên cạnh Toàn quyền Australia. Trong năm đầu tiên nhận nhiệm sở mới, tôi dành phần lớn thời gian đi thăm các bang, các thành phố lớn của Australia nơi phần lớn kiều bào và lưu học sinh Việt Nam sinh sống, làm việc.
Qua mỗi chuyến đi, mỗi cuộc tiếp xúc, tôi thực sự thấy vui mừng với sự lớn mạnh của cộng đồng, thấy ấm áp trước tình cảm mà những người đồng hương dành cho đất nước nói chung và cá nhân tôi nói riêng.
Cá nhân tôi ghi nhận nỗ lực của cộng đồng người Việt, các Hội sinh viên và các cá nhân tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thử thách để đưa các giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Australia, để khẳng định trí tuệ Việt Nam trong nền tri thức thế giới, và để thị uy lòng yêu nước khi chủ quyền, lãnh thổ của quốc gia bị đe dọa.
Dù vậy, vẫn còn quá nhiều điều mà tôi, các bạn và mỗi người con Việt Nam trên xứ sở Chuột túi có thể làm để kết chặt hơn tình thân ái, tương trợ lẫn nhau và làm cho mối quan hệ Việt Nam – Australia ngày càng bền chặt.
Đón năm mới sắp đến, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn lưu học sinh mong mỏi của mình. Đó là viễn cảnh về một cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Australia đoàn kết, trí tuệ, hòa hợp, cởi mở và thân thiện. Đó cũng là một liên hiệp của tuổi trẻ năng động, của ước mơ ghi dấu ấn lịch sử, tự tin dấn thân hơn thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của Việt Nam.
Với tôi, các bạn cũng là những đại sứ đang thực hiện sứ mệnh cầu nối giúp bạn bè Australia và quốc tế hiểu hơn về con người, đất nước, lịch sử và văn hóa Việt Nam, từ đó vun đắp tình hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc.
Việt Nam đang ngày càng phát triển năng động và hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế trên mọi mặt. Khó khăn muôn vàn, trở lực không ít, nhưng đó là con đường ta phải đi. Các bạn chính là những người tiên phong đưa Việt Nam ra với thế giới, và ngược lại, đưa thế giới đến Việt Nam. Hãy ước mơ, hãy tự tin, và hãy dũng cảm gánh vác sứ mệnh đó. Một lần nữa, chúc các bạn “chân cứng, đá mềm”.
Canberra, ngày 16 tháng 2 năm 2015
Thân ái,
LƯƠNG THANH NGHỊ
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Úc