Đồng cảm cùng bệnh nhân
Tính nhân văn của hoạt động này trên tất cả là tình người trong cơn hoạn nạn. Anh Thái Quang Luật, tài xế chở bệnh nhân xuất viện cho biết, do dịch bệnh nên gia đình anh phải ly tán. Anh đang sống tại huyện Hóc Môn với người con đầu 15 tuổi.
Còn bé gái thứ hai mới 1 tuổi đang ở cùng mẹ tại huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, khi nghe nhận thông tin cần tài xế chở bệnh nhân Covid-19 xuất viện về nhà từ hội Phụ nữ, anh Luật xung phong lên đường. “Công việc rất áp lực, bởi ngoài bản thân mình, còn con cái và an toàn cho cộng đồng. Trong khi những người mình chở là bệnh nhân mới điều trị xong Covid-19, vẫn cần cách ly thêm 2 tuần”, anh Luật cho biết.
Do đó, để đảm bảo an toàn, bản thân tài xế phải thực hiện các biện pháp khử trùng, khử khuẩn theo đúng quy định. Các biện pháp bảo vệ, phòng hộ bản thân phải tuân thủ nghiêm ngặt. “Trước khi về nhà tôi tắm rửa, khử khuẩn sạch sẽ. Về đến nơi, tôi không dám gặp con, chui vô góc phòng nằm ngủ. Nghĩ cũng chạnh lòng, nhưng hình ảnh những nụ cười khi bà con được xuất viện về đến nhà khiến tôi thấy vui và có động lực, để ngày mai lại tiếp tục công việc”, anh Luật tâm sự.
Anh Luật cho biết thêm, trên những chuyến xe ấy có nhiều kỷ niệm vui buồn đáng nhớ. Có trường hợp éo le, như một bệnh nhân ở ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Khi anh gọi điện báo người nhà chuẩn bị đón thì không ai nghe máy.
Anh Luật tìm đến ấp nhờ hỗ trợ nhưng lại hết giờ làm việc. Khi cán bộ ấp có mặt lại không biết bệnh nhân là ai vì người này ở trọ. May mắn gặp người dân xung quanh biết nơi bệnh nhân ở trọ nên hỗ trợ gọi người thân. Hóa ra, con của bệnh nhân “ngủ quên”, không nghe điện thoại.
Nhiều bệnh nhân xuất viện với tâm trạng vui vẻ khi được sống lại lần thứ hai. Nhưng khi đến nhà, cả khu họ ở phong tỏa, nhà họ bị giăng dây không vào được. Họ buồn vì không biết đi đâu, ở đâu. Đau lòng hơn, có trường hợp cụ ông lớn tuổi không còn minh mẫn, khi về đến nhà nhìn lên bàn thờ thấy hình người thân mới mất do Covid-19 nhưng không biết đó là ai, chỉ đứng cười một mình.
Anh Luật bảo, có lẽ trong đời tài xế, đây là những chuyến xe tôi nhớ mãi. Cảm giác hồi hộp, lo lắng, vui mừng, hạnh phúc đan xen. Tôi chỉ mong chúng ta sớm vượt qua đại dịch. Những bệnh nhân xuất viện về nhà cần tuân thủ các quy định cách ly tại cơ sở. Họ cũng nên tuyên truyền cho những người khác kinh nghiệm trong việc điều trị khi mắc Covid-19.
Tin tưởng, biết ơn các "chiến binh áo trắng"
Còn đối với những bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, khi xuất viện họ vừa vui mừng, vừa biết ơn đội ngũ y, bác sĩ.
Chị N.H.N., 25 tuổi, bệnh nhân điều trị Covid-19 tại bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết: “Em bị bệnh rất nặng nên phải chuyển vào đây và được các bác sĩ tận tình cứu kịp. Ở đây em các bác sĩ, tình nguyện viên quan tâm, chăm sóc kể cả việc vệ sinh cá nhân cho em và các bệnh nhân khác rất chu đáo. Mọi người không nên nghe, tin những thông tin không chính xác trên mạng xã hội mà nên yên tâm tin tưởng vào bác sĩ, bệnh viện”.
Niềm vui của bệnh nhân cũng là niềm vui của bác sĩ, cán bộ y tế, những người tổ chức, điều hành hoạt động chương trình đưa đón bệnh nhân Covid-19 về nhà. “Chúng tôi thấy hạnh phúc khi các bệnh nhân xuất viện được trở về nhà. Mỗi khi bệnh nhân xuất viện, thấy họ chia tay tạm biệt bệnh viện trong niềm vui, chính là động lực để chúng tôi tiếp tục "chạy... chạy... và chạy" nhiều hơn.
Bởi trong những ngày này, nhiều gia đình đã không còn trọn vẹn với nỗi mất mát người thân vì dịch bệnh, vì thế mỗi bệnh nhân được xuất viện là niềm an ủi động viên với đội ngũ bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc”, Th.s Hiển không giấu nổi xúc động nói.
Hình ảnh những chuyến xe như con thoi đưa bệnh nhân Covid-19 xuất viện về nhà mỗi ngày, không chỉ là niềm vui, còn là niềm tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, sự sống lại hồi sinh.
Từ ngày 1 đến 15/8, có 151 bệnh nhân Covid-19 xuất viện, được đưa về tận nhà với sự hỗ trợ của hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh. Chuyến xe xa nhất là chở bệnh nhân về xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cách bệnh viện Hồi sức Covid-19 gần 50km.
Bệnh nhân xuất viện được tặng quần áo, giày dép mới. Ngoài ra, họ sẽ được hỗ trợ thực phẩm “đặc biệt”, vì mới ra viện, sức khỏe còn yếu.
“Đây là chương trình nhân văn, mang ý nghĩa tỏa sáng giữa mùa dịch. Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Hồi sức Covid-19, hội Bảo vệ quyền trẻ em, hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cùng tất cả đội ngũ quản lý, vận hành sẽ tiếp tục duy trì cho đến hết thời gian giãn cách xã hội. Bệnh nhân được đi lại thuận lợi mới ngưng”, Th.s Lê Minh Hiển cho biết. |
Hoàng Văn Việt (còn nữa)
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (137)