Tháng 9, Hong Kong bất ngờ vượt Mỹ trở thành thị trường xuất đầu hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng công nhận điều này.
Theo các chuyên gia tại công ty chứng khoán Everbright, ngân hàng Australia và New Zealand và Ngân hàng Truyền thông, việc ghi giả hóa đơn xuất khẩu hay báo cáo sai sự thật có thể là nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu sang Hong Kong của Trung Quốc bất ngờ tăng 34\% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự khác nhau giữa số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của Hong Kong và số liệu xuất khẩu sang Hong Kong của Trung Quốc cho thấy, đã có những hành vi ghi giả hóa đơn xuất khẩu nhằm che đậy dòng vốn đặt cược vào sự tăng giá của nhân dân tệ.
Theo số liệu chính phủ Trung Quốc công bố đầu tuần, xuất khẩu đã tăng 15,3\% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2013. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng dự báo 12\% của các chuyên gia.
Chuyên gia kinh tế trưởng Xu Gao tại công ty chứng khoán Everbright nhận định, số liệu thương mại tháng 9 có dấu hiệu bị bóp méo. Nếu chỉ phân tích số liệu thương mại giả mạo này thì các nhà hoạch định chính sách rất dễ bị đánh lừa rằng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc của nước ngoài đang tăng mạnh.
Khi đó, chính phủ sẽ giãn bớt những biện pháp nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế nội địa. Cứ như vậy, triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ rất đáng lo ngại.
Ông Xu chỉ rõ, giá trị toàn ngành xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh một phần là nhờ hoạt động xuất khẩu kim loại quý - từng là trung tâm của những bê bối liên quan đến hành vi ghi hóa đơn giả trong quá khứ. Theo ông Xu, các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc dường như đang kích thích hoạt động "xuất khẩu giả".
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Truyền thông cho rằng, hành vi giả mạo hóa đơn bắt đầu xuất hiện trở lại kể từ khi thành lập Sàn chứng khoán liên kết Thượng Hải - Hong Kong. Đây được xem là dự án rất thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.
Mặt khác theo Goldman Sachs, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh có thể là do chính quyền địa phương báo cáo quá sự thật nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đưa ra. Tuy nhiên, các chuyên gia lại không có bằng chứng rõ ràng.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định nhằm hạn chế luồng vốn đặt cược vào sự tăng giá của nhân dân tệ, nhưng "dòng tiền nóng" này vẫn có thể chảy vào Trung Quốc thông qua việc thanh toán đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là sang Hong Kong.
Nếu không tính giá trị xuất khẩu sang Hong Kong, giá trị xuất khẩu chỉ tăng 12\%, theo tính toán của Goldman Sachs.
ngày 25/9, Cơ quan Quản lý Ngoại hối quốc gia Trung Quốc (SAFE) từng cho biết, đã phát hiện các giao dịch giả mạo trị giá gần 10 tỷ USD trong một cuộc điều tra nhằm vào các luồng vốn phi pháp giao dịch xuyên biên giới.