Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè năm 2023 ước đạt 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Riêng trong quý 4/2023 xuất khẩu chè ước đạt 39.300 tấn, trị giá 70 triệu USD, tăng lần lượt 16,7% về lượng và 18,1% về trị giá so với quý 3/2023. So với cùng kỳ năm 2022, mặc dù lượng chè xuất khẩu giảm 22,1% nhưng lại tăng 1,4% về kim ngạch. Đây là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu chè của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu thế giới yếu và các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe tại các thị trường chính. Bên cạnh đó, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam đa phần ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.
Pakistan, Đài Loan và Nga là những thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam trong năm 2023, và đều giảm mạnh. Trong đó, do tình trạng thiếu ngoại tệ ở Pakistan đã khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể thanh toán.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện tại chủ yếu là chè thô, có hàm lượng chế biến thấp. Hầu hết các loại chè xuất khẩu đã ghi nhận sự giảm giống nhau trong 11 tháng của năm 2023. Chè xanh là loại chè dẫn đầu về lượng và trị giá, đạt 52,6 nghìn tấn, trị giá 104 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo là chè đen với 42,2 nghìn tấn, trị giá 57,2 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và 18,4% về trị giá. Chè ướp hoa đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 7,3 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 6,7% về trị giá. Đáng chú ý, xuất khẩu chè ô long đạt 1,1 nghìn tấn, trị giá 3,5 triệu USD, tăng 101,8% về lượng và tăng 106,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù đã trải qua một năm có sản lượng xuất khẩu chè thấp, nhưng ngành chè Việt Nam vẫn được đánh giá là có cơ hội mở rộng thị phần do nhu cầu thị trường chưa cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có 120.000 ha diện tích trồng chè, 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi một ngày. Một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, nhưng số lượng đầu tư không nhiều.
Hiện sản xuất chè theo nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô khoảng 0,2 ha một hộ; tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều cấp làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới.
Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm như chè ô long, chè lên men, hồng trà, bạch trà, chè ướp hương thơm từ các loại hoa... khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.