+Aa-
    Zalo

    Xuất hiện F0 trong trường học, xử trí thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc trở lại trường học dù đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng trong bối cảnh mỗi ngày vẫn có gần 30.000 ca F0, thì việc ghi nhận nhiều trẻ mắc COVID-19 là không thể tránh khỏi. Công tác xử trí khi phát hiện F0 trong trường học và cách ly F1 như thế nào được nhiều cha mẹ quan tâm và băn khoăn.

    Từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 - 12 trên toàn quốc trở lại trường học trực tiếp. Sau 1 tuần đón học sinh, các hoạt động giáo dục đang dần thích ứng với tình hình dịch, xử trí gọn các ca mắc COVID-19, đến ngày 14/2, khoảng 20 triệu học sinh ở các cấp học đồng loạt trở lại trường học.

    xuat hien f0 trong truong hoc xu ly nhu the nao dspl
    Xử trí như thế nào khi xuất hiện F0 tại trường học là điều được nhiều cha mẹ quan tâm và băn khoăn. Ảnh minh họa

    Mặc dù việc trở lại trường học đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng trong bối cảnh mỗi ngày vẫn có gần 30.000 ca F0, thì việc ghi nhận nhiều trẻ mắc COVID-19 là không thể tránh khỏi.

    Điều khiến nhiều bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu hiện nay là nếu không may xuất hiện F0 trong trường học thì xử lý F0 và cách ly F1 như thế nào?

    Liên quan đến vấn đề này, bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

    Theo đó, khi có học sinh mắc COVID-19 trong cơ sở giáo dục, bộ GD&ĐT yêu cầu người phụ trách và đơn vị liên quan thực hiện ngay các bước sau:

    Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh.

    Tiếp tục cách ly tạm thời F0.

    Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

    Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) dưới 96%, liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn hoặc bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.

    Nếu F0 không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ, tư vấn, hướng dẫn cha mẹ đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.

    Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp và xét nghiệm cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).

    Các lớp học khác hoạt động bình thường

    Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của bộ Y tế

    - Với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng: Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 3 và 7.

    - Với người chưa tiêm đủ liều vaccine: Cách ly y tế 10 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 5 và 10.

    - Với người chưa tiêm vaccine: Cách ly y tế 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 7 và 13.

    Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có một ca dương tính với COVID-19, toàn bộ học sinh cùng lớp (F1) sẽ được cách ly tại nhà theo quy định.

    Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau, trường cần tổ chức xét nghiệm tầm soát với quy mô như sau:

    Hai lớp ở cùng tầng: Xét nghiệm cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học cùng tầng.

    Hai lớp khác tầng, cùng khối nhà: Xét nghiệm cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học trong cùng khối nhà.

    Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.

    UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập Tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch tại các trường học, bảo đảm bố trí đủ cán bộ y tế học đường.

    Nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình giám sát học sinh thực hiện các quy định phòng, chống dịch, quy tắc “5K” và phương châm “một cung đường, hai điểm đến”, kịp thời thông báo với cơ quan y tế trên địa bàn khi học sinh có những biểu hiện nghi mắc COVID-19.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuat-hien-f0-trong-truong-hoc-xu-tri-the-nao-a528513.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan