Ngày 27/11/2018, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Hưng Yên. HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại do bỏ lọt tội phạm, điều tra chưa đầy đủ!
Bài liên quan:
Luật sư Nguyễn Văn Chiến bào chữa cho người đang kêu oan
LS Nguyễn Chiến: Trách nhiệm người liên quan thuộc kho quỹ của Ngân hàng NN Việt Nam ở đâu?
Xử sơ thẩm vụ án tại Ngân hàng NN chi nhánh Hưng Yên: Tại sao không công khai hình ảnh từ camera?
Phiên phúc thẩm được mở sau khi bị cáo Nguyễn Thị Lệ có đơn kháng cáo gửi Tòa án cấp cao tại Hà Nội. Đồng thời, bị cáo này cũng gửi đơn kêu oan đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội.
Sau khi nhận được đơn của bị cáo Nguyễn Thị Lệ, Ủy ban tư pháp Quốc hội đã có văn bản chuyển thông tin khiếu nại tới Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét, xử lý.
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ và bị cáo Trịnh Anh Thuân tại phiên tòa phúc thẩm. |
Theo văn bản này, bị cáo Nguyễn Thị Lệ trú tại khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã khiếu nại kêu oan đối với bản án hình sự sơ thẩm số 24/2018/HSST ngày 4/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên tuyên bị cáo Lệ tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, bản án phiên sơ thẩm trên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lệ, nguyên thủ quỹ Kho nghiệp vụ phát hành, NHNN chi nhánh Hưng Yên 3 năm 6 tháng tù và buộc bồi thường cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN Việt Nam) hơn 1,8 tỷ đồng. Bị cáo Lệ cũng bị cấm đảm nhận chức vụ trong ngành ngân hàng trong thời hạn 2 năm.
Cùng với bị cáo Lệ, bị án Trịnh Anh Thuân, nguyên cán bộ Kho nghiệp vụ phát hành, NHNN chi nhánh Hưng Yên bị tuyên phạt 2 năm cải tạo không giam giữ. Nhưng do Trịnh Anh Thuân đã bị bắt tạm giam 6 tháng trước đây, nên bị án Thuân chỉ còn phải chịu 6 tháng cải tạo không giam giữ. Về hình phạt bổ sung, bị án Thuân phải chịu trách nhiệm bồi thường 100 triệu đồng cho NHNN Việt Nam. Bị án Thuân không kháng cáo nhưng trong ngày xử án phúc thẩm, Thuân vẫn được triệu tập để Tòa án cấp phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Lệ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán Trần Văn Tuân, Chủ tọa phiên tòa hỏi “Bị cáo Lệ có thay đổi hay giữ nguyên kháng cáo?”
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ khẳng định giữ nguyên kháng cáo: Đối với khoản tiền 200 triệu đồng được xác định bị thiếu khi thực hiện kiểm đếm, bị cáo cho rằng, mình nghỉ việc và bàn giao cho bà Hằng (thủ kho mới) toàn bộ tài sản kho quỹ từ ngày 26/11/2015. Việc bàn giao đã ghi chi tiết số tiền các loại, giao nhận giữa các bên trên cơ sở có biên bản bàn giao với sự chứng kiến đầy đủ của lãnh đạo và phòng, ban chức năng thuộc NHNN-Chi nhánh Hưng Yên.
Sau hơn 10 ngày, đến chiều 07/12/2015 bà Hằng mới thực hiện bàn giao tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho ông Khải – thủ kho dự trữ phát hành và được nhập xong vào kho dự trữ. Tuy nhiên, đến sáng 08/12/2015, các bên lại xuất khỏi kho dự trữ và bắt đầu tổ chức kiểm đếm tiền đã bàn giao từ chiều hôm trước thì phát hiện 01 bao tiền mệnh giá 100.000 đồng chỉ có 18 bó trong bao, thiếu 02 bó tương tương 200 triệu đồng.
Chủ tọa phiên tòa hỏi về lời khai của cả Lệ và Thuân đều ký nhận trách nhiệm về việc mất 02 bó tiền, bị cáo Lệ bày tỏ: Trong quá trình điều tra, bị cáo có nhận vì tin tưởng có chữ ký của mình và Thuân trên niêm phong đầu bao. Tại thời điểm đó, bị cáo bị sức ép từ NHNN TW, NHNN chi nhánh Hưng Yên và cơ quan điều tra liên tục thúc giục. Ngoài ra, bị cáo không biết có người đã ký giả chữ ký của bị cáo. Chỉ đến khi biết kết quả giám định không phải chữ ký của mình thì bị cáo mới hiểu rằng có người giả chữ ký tham ô số tiền và đổ tội cho bị cáo.
Tại phiên phúc thẩm, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lệ về khoản tiền 200 triệu đồng bị quy buộc bồi thường, Luật sư Trần Hồng Phúc - văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến còn mang đến phiên tòa 02 bó tiền mệnh giá 100.000 đồng. Từ đó, luật sư chứng minh trước HĐXX cấp phúc thẩm việc thiếu 02 bó tiền khi bàn giao thì thủ kho mới sẽ rất dễ nhận ra nếu thấy thiếu. Bản thân các cán bộ, lãnh đạo NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên thực hiện giám sát, chứng kiến có thể dễ dàng nhận ra sự thiếu hụt 2 bó tiền và không thể cho phép tiếp nhận bao tiền chỉ có 18/20 bó do sự bất thường của hình dạng bao tiền.
Và trên thực tế, biên bản bàn giao của bị cáo Lệ cho bà Hằng (thủ kho mới) ngày 26/11/2015 có đầy đủ chữ ký của mọi thành phần, tất cả xác định nhận đủ, ký tên vậy thì không có lý do gì để quy việc thiếu tiền trở lại cho bị cáo Lệ.
Việc kiểm đếm sáng ngày 8/12/2015 phát hiện thiếu tiền không có mặt bị cáo Lệ hay bị án Thuân, được camera ghi hình và được cơ quan điều tra thu giữ. Luật sư cho rằng, cần đưa file hình ảnh camera này vào trong hồ sơ vụ án để đánh giá thực sự việc kiểm đếm diễn ra như thế nào, có đúng như kết quả điều tra, truy tố và nhận định của bản án sơ thẩm không?
Về khoản tiền 523 triệu đồng bị thiếu sau khi kiểm trong số 194 tỷ đồng tại Kho nghiệp vụ phát hành (23 tỷ) và Kho dự trữ phát hành (171 tỷ) tại NHNN Việt Nam – chi nhánh Hưng Yên; luật sư Phúc khẳng định bị cáo Lệ bị buộc oan về trách nhiệm hình sự và bị buộc sai về trách nhiệm dân sự đối với số tiền này. Hồ sơ vụ án cũng như ý kiến của NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên đã khẳng định không thể biết số tiền 523 triệu đồng bị thất thoát thuộc kho nào? Như vậy, bị cáo Lệ chỉ có trách nhiệm khi thất thoát tiền tại Kho nghiệp vụ phát hành, nếu không biết mất tại kho nào thì việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc tội là làm oan cho bị cáo!
Về khoản tiền 1,395 tỷ đồng thiếu trong tổng số tiền 1.408 tỷ đồng do NHNN Việt Nam điều chuyển về lại NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên để kiểm đếm, luật sư Phúc lập luận NHNN Việt Nam đã kiểm đếm xong, nhận đủ, niêm phong đầu bao và kẹp chì của mình, vận chuyến về kho tiền Trung ương để lưu kho. Lúc này, không còn liên quan gì đến trách nhiệm của bị cáo Lệ hay NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên bởi số tiền không còn nằm trong sự quản lý của NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên.
Khi NHNN Việt Nam đã nhận đủ, kiểm tra xác suất và lưu kho của mình thì phải tự chịu trách nhiệm về thất thoát số tiền trong sự quản lý của mình. Ở đây, có dấu hiệu tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước ở Kho quỹ trung ương NHNN Việt Nam và chưa từng được làm rõ.
Hơn nữa, các niêm phong của các bao tiền có số tiền thiếu 1,395 tỷ là của NHNN Việt Nam đã bị tiêu hủy, bàn giao cho NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên niêm phong và kẹp lại chì của chi nhánh lưu kho rồi mới tổ chức kiểm đếm là không khách quan do đã mất dấu niêm phong của NHNN Việt Nam và chưa làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Hậu quả vật chất của vụ án là của hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước đang buộc tội cho bị cáo Lệ. Nhưng đồng thời, đó cũng là hậu quả của hành vi chiếm đoạt đối với “Tội tham ô tài sản” nếu tìm ra can phạm. Vì vậy, không thể tách điều tra tội tham ô sang một vụ án khác – luật sư Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, luật sư Phúc còn đề cập đến dấu hiệu “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng” đối với nhóm cán bộ quản lý của NHNN Việt Nam – CN Hưng Yên và của NHNN Việt Nam trong vụ án phải được làm rõ; không thể dồn hết trách nhiệm cho bị cáo Lệ trong khi các khoản tiền thất thoát chưa chứng minh được thuộc kho nghiệp vụ của bị cáo Lệ hoặc vẫn còn thuộc phạm vi quản lý của bị cáo Lệ với vai trò thủ kho kiêm thủ quỹ kho nghiệp vụ.
Bào chữa cho bị cáo Lệ, luật sư Ngô Thị Thu Hằng cũng phân tích những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án để đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm điều tra lại theo quy định.
Với vai trò là đại diện Viện Kiểm sát cấp cao tại Hà Nội, ông Lê Minh Cường kết luận: Bản án sơ thẩm nêu bị cáo Lệ chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền bị mất là chưa phù hợp và chưa đủ cơ sở vững chắc để cho thấy toàn bộ tiền bị mất có thuộc kho bị cáo Lệ và trong thời gian bị cáo Lệ làm hay không. Cần làm rõ có tham ô tài sản hay không và xem xét trách nhiệm của các bị cáo. Vị đại diện VKS đề nghị hủy bản án sơ thẩm của tòa án ND tỉnh Hưng Yên để điều tra lại.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trần Hồng Phúc cùng các luật sư bào chữa cho bị cáo Lệ đều đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lệ bày tỏ: “Khi bị bắt, con bị cáo mới được 36 tháng tuổi. Bị cáo tưởng như cuộc đời đã chấm dứt, con đường phía trước còn gian nan nhưng bị cáo tin, sau phiên tòa sơ thẩm thì công lý vẫn còn. Và nếu căn cứ vào các quy định của NHNN VN cũng như của NHNN chi nhánh Hưng Yên thì bị cáo không có tội”.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên bố, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 24/2018/HSST ngày 4/5/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.
Nguyễn Tâm