Ngày 3/5/2018, tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, một chứng cứ quan trọng cần đưa ra là hình ảnh trích xuất camera lại không được “tiết lộ”.
Tiền thiếu hụt: Không xác định được từ kho nào
Trong vụ án này, 2 bị cáo bị đưa ra xét xử là Nguyễn Thị Lệ, nguyên thủ quỹ Kho nghiệp vụ phát hành và Trịnh Anh Thuân nguyên cán bộ Kho nghiệp vụ phát hành Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Hưng Yên (NHNN Chi nhánh Hưng Yên)
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ bị truy tố để xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại khoản 3 Điều 144 BLHS trên cơ sở Cáo trạng số 68/QĐ-VKS-HS ngày 01/9/2017 của VKSND tỉnh Hưng Yên.
Bị cáo Nguyễn Thị Lệ và bị cáo Trịnh Anh Thuân tại phiên tòa |
Bị cáo Thuân bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại khoản 2, điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, bị cao Lệ và Thuân đóng bao thiếu 2 bó tiền mệnh giá 100.000đ (tương đương 200 triệu đồng) vào ngày 13/11/2015.
Ngoài ra, từ ngày 7/9 đến 13/11/2015, NHNN Chi nhánh Hưng Yên liên tục phát hiện nhiều vụ việc hàng trăm triệu tiền không đủ chuẩn lưu thông khi kiểm đếm. Sự việc được báo cáo lên NHNN Việt Nam. Cơ quan này đã chuyển trả 1.408 tỷ đồng tiền không đủ chuẩn lưu thông tiếp nhận từ NHNN Chi nhánh Hưng Yên trong các năm 2014 và 2015 để kiểm đếm lại. Kết quả phát hiện thiếu hụt 1,395 tỷ đồng. Số tiền này được cho rằng do bị cáo Lệ thiếu trách nhiệm nên gây ra hậu quả trên.
Tại phiên tòa ngày 3/5, ngoài 2 bị cáo Lệ và Thuân, đại diện phía NHNN Việt Nam có ông Tống Trịnh Toàn, Cục phó Cục Kho quỹ và Phát hành NHNN Việt Nam (theo ủy quyền của Thống đốc) thay mặt cho nguyên đơn dân sự. Ông Vũ Viết Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh Hưng Yên cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo đánh giá của luật sư – Đại biểu QH Nguyễn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Lệ thì vụ án này khá phức tạp, chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không vững chắc, có có dấu hiệu “bỏ lọt tội phạm”.
Bản thân điều tra viên Ngô Văn Thưởng cũng thừa nhận tại phiên tòa: Có số tiền kiểm đếm thiếu nhưng không xác định được ai có liên quan.
Tại phiên tòa diễn ra 3/5, khi được Thẩm phán Nguyễn Đồng Dực hỏi có ý kiến gì? Bị cáo Nguyễn Thị Lệ khẳng định: “bị cáo hoàn toàn không đồng ý với bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hưng Yên với lý do truy tố không đúng người đúng tội”.
Khi được HĐXX hỏi về số tiền bị mất sau kiểm đếm, bị cáo Lệ không biết ai rút tiền và không biết mất lúc nào. Nhưng bị cáo khẳng định không mất tiền trong giai đoạn bị cáo quản lý.
Ngoài khoản tiền 200 triệu đồng, 1,395 tỷ đồng thiếu hụt, cơ quan điều tra còn xác định thiếu 523.100.000 đồng sau khi NHNN-chi nhánh tỉnh Hưng Yên tổ chức kiểm đếm tổng thể 194 tỷ đồng được lưu giữ tại 02 kho (kho nghiệp vụ và kho dự trữ). Nhưng với số tiền thiếu này, không xác định được nằm ở kho nào (tức thuộc kho nghiệp vụ của bị cáo Lệ quản lý trước đây hay kho dự trữ của người khác) và chính NHNN - chi nhánh Hưng Yên cũng có văn bản trả lời cơ quan an ninh điều tra không thể xác định được số tiền thiếu thuộc kho nào trong chi nhánh.
Ông Vũ Viết Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh Hưng Yên cũng cho hay: Số tiền mất hơn 500 triệu Chi nhánh không xác định ở kho phát hành của chị Lệ hay Kho dự trữ của anh Khải.
Tại sao không công khai nội dung do camera ghi hình?
Tại phiên tòa, có nhiều thông tin khá trái chiều gây tranh cãi như việc thiếu 2 bó tiền trong kiểm đếm ngày 08/12/2015 từ bao tiền thứ mấy trong quá trình kiểm đếm tại NHNN chi nhánh Hưng Yên. Bị cáo Lệ bị nghỉ việc Thủ kho và bàn giao cho thủ kho mới toàn bộ tài sản kho quỹ vào ngày 26/11/2015.
Luật sư Nguyễn Chiến đã đề nghị được xem trích xuất camera ngày 8/12/2015 |
Thủ kho mới đã nhận lập biên bản ký nhận đầy đủ trước sự chúng kiến của lãnh đạo và phòng, ban chức năng thuộc NHNN-Chi nhánh Hưng Yên. Đến chiều 07/12/2015 thủ kho mới thực hiện bàn giao tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho ông Khải – thủ kho dự trữ phát hành và được nhập xong vào kho dự trữ. Tuy nhiên đến sáng 08/12/2015 các bên mới tổ chức kiểm đếm tiền đã bàn giao chiều ngày 07/12/2015 thì phát hiện 01 bao tiền mệnh giá 100.000 đồng chỉ có 18 bó trong bao, thiếu 02 bó tương tương 200 triệu đồng.
Và khi xảy ra mâu thuẫn trong lời khai cũng như thông tin từ điều tra viên thì hình ảnh trích xuất từ camera được coi là chứng cứ quan trọng.
Tại phiên tòa, ông Vũ Viết Thu, Giám đốc NHNN-Chi nhánh tỉnh Hưng Yên cho biết file hình ảnh camera của buổi kiểm đếm tiền đã được cơ quan điều tra yêu cầu trích xuất, điều tra viên và KSV vụ án đã được xem và có lập Biên bản về việc này, hiện chi nhánh có lưu biên bản làm việc và sẽ tìm lại để cung cấp cho HĐXX theo đề nghị của luật sư bào chữa.
Được biết tại phiên tòa từ ngày 29/01 đến 31/01/2018 trước đó, KSV vụ án cũng thừa nhận đã tận mắt xem hình ảnh camera này.
Còn tại phiên tòa lần này, luật sư Nguyễn Chiến đã đề nghị được xem trích xuất camera ngày 8/12/2015 vì cho rằng đây là chứng cứ quan trọng đã được CQĐT trích xuất thu thập, có lập biên bản theo quy định của BLTTHS; đồng thời khi tố tụng vụ án điều tra viên và KSV cũng đã được xem thì cả file hình ảnh camera lẫn biên bản trích xuất liên quan không thể bỏ ngoài hồ sơ vụ án.
HĐXX, người tham gia tố tụng có quyền được xem để đánh giá, xác định sự thật vụ án. Nếu file hình ảnh lưu camera này là tài liệu bí mật phải được công khai có thuộc danh mục tài liệu bí mật Nhà nước không? Tuy nhiên, vẫn phải được đưa vào hồ sơ vụ án để bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Nếu là tài liệu điều tra bị mật thì người tham gia tố tụng có trách nhiệm bảo mật, nếu tiết lộ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 177 BLTTHS 2015. HĐXX là cơ quan cao nhất thực hiện xét xử vụ án đã có yêu cầu trích xuất file hình ảnh camera thì cần chấp hành theo quy định.
Bởi tại Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do thẩm phán TAND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đồng Dực ký, đề nghị VKSND tỉnh Hưng Yên bổ sung nội dung: “NHNN chi nhánh Hưng Yên có giữ file hình ảnh ngày 8/12/2015 không? nếu còn giữ đề nghị thu thập làm căn cứ giải quyết vụ án; làm rõ mâu thuẫn ai là người cắt niêm phong bao tiền cắt bằng gì, bao thứ mấy phát hiện thiếu tiền, làm rõ quan điểm của NHNN VN về việc bàn giao nội bộ có lập biên bản không, khi nào? Thành phần tham gia, làm rõ việc khám nghiệm hiện trường những người có mặt, ký sơ đồ thế nào lúc nào?”.
Tuy nhiên, trong văn bản của viện KSND tỉnh Hưng Yên gửi TAND tỉnh Hưng Yên ngày 8/3/2018 do ông Nguyễn Văn Viện, Phó Viện trưởng phúc đáp: “Gian đệm và kho tiền NHNN chi nhánh Hưng Yên là địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Nên việc trích xuất camera giám sát đại điểm này để đưa vào hồ sơ vụ án, sau đó nhiều người không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ trong ngành NHNNVN biết được kết cấu của gian đệm và kho tiền sẽ không đảm bảo bí mật, gây mấtan tàn kho tiền. Việc giao nhận tiền có đủ thành phần và thực hiện giao nhận theo quy định, việc thiếu 2 bó tiền trong bao tiền được lập biên bản có đủ thành phần theo quy định nên trích xuất camera là không cần thiết”.
Dù Viện KSND tỉnh Hưng Yên trả lời như vậy để giữ “bí mật” về kết cấu gian đệm. Vậy, nếu đề nghị cung cấp nội dung diễn biến được camera ghi lại phục vụ cho vụ án hay cung cấp video đã được làm mờ phần cần giữ bí mật, công khai hình ảnh giao nhận tiền, VKSND có cung cấp cho HĐXX theo quy định hay vẫn tìm cách “thoái thác”?
Việc cung cấp chứng cứ mấu chốt này có ý nghĩa rất lớn giúp cho HĐXX xác định sự thật vụ án do còn đang gây tranh cãi nhiều chiều tại phiên tòa bởi lời khai mâu thuẫn tại buổi kiểm đếm sáng 08/12/2015.
Tại phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Lệ đề nghị sau khi tuyên án, cho đăng công khai bản án sơ thẩm trên website điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.
Phiên tòa sẽ tiếp tục xử vào ngày 4/5.