+Aa-
    Zalo

    Xử phạt xe máy điện không đăng ký: Cần cho dân thêm thời gian

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Người dân cần có một khoảng thời gian hợp lý đủ để tiếp nhận thông tin và xử lý đối với trường hợp xe của mình, vì vậy nên tuyên truyền trước, sau đó mới xử phạt

    (ĐSPL) - Người dân cần có một khoảng thời gian hợp lý đủ để tiếp nhận thông tin và xử lý đối với trường hợp xe của mình, vì vậy nên tuyên truyền trước, sau đó mới tiến hành xử phạt.

    Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, khi trao đổi với báo Đời sống Pháp luật về việc thông tư 15 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/6 quy định, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông.

    Với những xe máy điện sử dụng từ 1/7/2009 đến nay mà không đầy đủ giấy tờ như không có hóa đơn mua hàng, không có chứng từ về kiểm tra chất lượng (với xe nhập khẩu), không có phiếu kiểm tra chất lượng (với xe lắp ráp trong nước) thì không được cấp đăng ký, những xe máy điện không đăng ký mà vẫn lưu hành thì sẽ bị xử phạt 300-400 ngàn đồng, các vi phạm khác cũng xử lý như xe mô tô, xe gắn máy.

    Xử phạt xe máy điện không đăng ký: Cần cho dân thêm  thời gian

    Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.

    -Cho đến nay, nhiều người dân vẫn không hề biết đến quy định này, ông có bình luận gì?

    Quy định về việc bắt buộc phải đăng ký biển kiểm soát đối với xe máy điện đã được quy định tại thông tư 36/2009/TT-BCA ngày 12/10/2010

    Theo đó tại khoản 15 Điều 20 Thông tư 36/2009/TT-BCA quy định: “Đối với xe máy điện đã sử dụng trước ngày 01/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số.”

    Điều này được quy định lại tại khoản 12 Điều 23 thông tư 15/2014/TT-BCA, theo đó, đối với ô tô điện, xe máy điện đã sử dụng trước ngày 01/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không bảo đảm theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe.

    Việc luật quy định không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không đảm bảo được hiểu là xe đã được đăng ký, đã có chứng từ nhưng bị mất, tức là cơ quan công an đã có số liệu lưu giữ về thông tin của xe chứ không bao gồm trường hợp không có giấy tờ do xe nhập khẩu, mua bán lậu.

    Nội dung quy định này đã được thực hiện từ ngày 6/12/2010 chứ không phải đến hiện nay mới quy định. Tuy nhiên, do thực tế, số lượng xe máy điện lưu thông không nhiều, không như xe máy thông thường (xe mô tô)  nên người dân không quan tâm, để ý đến quy định của pháp luật. Từ đó đến nay đã được gần 4 năm thi hành luật nhưng đến bây giờ cơ quan công an mới thực hiện siết chặt hơn nữa để quản lý đối với loại xe này. Vì vậy, tôi cho rằng đây cũng là điều bình thường.

    -Theo Luật Giao thông đường bộ thì quy định bắt xe máy điện phải đăng kí từ 1/7/2009, nhưng sao đến giờ mới lại siết chặt việc nếu không đăng kí thì không được lưu thông? Ông có cho rằng về vấn đề này, cơ quan chức năng đã tuyên truyền chưa thật tốt đến người dân? Và việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt ngay từ 1/6 liệu có gấp quá không? Phải chăng nên tuyên truyền, nhắc nhở trong những ngày đầu, thay vì xử phạt?

    Quy định về việc xe máy điện sử dụng từ ngày 1/7/2009 là quy định đã được đề cập trong nội dung thông tư 36/2009/TT-BCA ngày 12/10/2010 có hiệu lực từ ngày 6/12/2010. Tuy nhiên đến nay đã gần 4 năm mà quy định này hầu hết người dân đều không được biết đến.

    Sở dĩ xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính xuất phát từ việc tại thời điểm năm 2009-2010 thì người dân không có nhu cầu sử dụng, không quan tâm nhiều đến loại hình xe máy điện tham gia giao thông, phương tiện chủ yếu của người dân lúc này là xe gắn máy thông thường (xe mô tô). Chính vì vậy, mọi tuyên truyền về việc đăng ký hầu như chỉ được tuyên truyền đối với xe gắn máy. Tuy nhiên đến thời điểm năm 2013 khi Bộ công an đưa ra chính sách quản lý chặt chẽ đối với mua bán, chuyển nhượng xe và xử phạt xe không chính chủ thì người dân lại có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng loại hình xe máy điện.

    Do đó đến giờ cơ quan chức năng mới phải đẩy mạnh cơ chế siết chặt quy định tham gia giao thông đối với xe máy điện. Rõ ràng quy định pháp luật đã được đề ra và đi vào thực thi gần 4 năm mà đến giờ người dân vẫn ngỡ ngàng khi nghe đến quy định của luật thì lỗi một phần cũng do cơ quan chức năng thực hiện công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân chưa tốt.

    Theo tôi nhận định, việc cơ quan chức năng tiến hành xử phạt ngay từ 1/6 thì “hơi gấp” bởi lẽ:

    - Thứ nhất: Mặc dù quy định của Luật đã có từ lâu, tuy nhiên do thực tế số lượng xe máy điện tham gia lưu thông còn quá ít nên cơ quan Công an cũng không siết chặt xử lý ngay từ đầu mà đến nay, khi lưu lượng xe đạp máy tham gia lưu thông tăng thì cơ quan công an mới tiến hành thực hiện xử lý nghiêm.

    - Thứ hai: Cũng xuất phát từ việc luật quy định nhưng sau đó tổ chức tuyên truyền đến người dân không tốt khiến người dân không chú tâm đến việc đăng ký cho xe máy điện trong thời gian dài.

    - Thứ ba: Theo khảo sát tình hình thì phần lớn các cửa hàng đều không cung cấp đủ hồ sơ, giấy tờ cho chủ mua phương tiện.

    Do đó, thiết nghĩ để người dân khỏi “choáng” khi tiếp nhận thông tin xử phạt đối với xe máy điện (vì thời gian từ giờ đến 1/6 chỉ tính bằng ngày), người dân khó lòng mà thực hiện được ngay đối với trường hợp xe bị mất giấy tờ mà chưa xin được xác nhận. Người dân cần có một khoảng thời gian hợp lý đủ để tiếp nhận thông tin và xử lý đối với trường hợp xe của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nên tuyên truyền quy định của pháp luật đến người dân trước, sau đó mới tiến hành xử phạt.

    Xử phạt xe máy điện không đăng ký: Cần cho dân thêm  thời gian

    Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, một quy định tác động, điều chỉnh đến nhu cầu thiết yếu đó thì nhất thiết phải được tuyên truyền để người dân hiểu và nắm bắt được.

    -Ông có cho rằng, đối với những chính sách pháp luật tác động và ảnh hưởng đến nhiều người như vậy, cơ quan chức năng lẽ ra nên tuyên truyền rộng rãi hơn, sớm hơn để mọi người dân được biết, thay vì sát ngày thực hiện thì người dân mới biết?

    Về nguyên tắc, để quy định của Luật được áp dụng rộng rãi và đi vào đời sống của người dân thì việc tuyên truyền đóng vai trò rất tích cực, đặc biệt đối với những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân.

    Việc tham gia giao thông là nhu cầu tối thiểu hàng ngày của người dân, do đó một quy định tác động, điều chỉnh đến nhu cầu thiết yếu đó thì nhất thiết phải được tuyên truyền để người dân hiểu và nắm bắt được.

    Xã hội muôn hình muôn vẻ, do đó sẽ có rất nhiều trường hợp éo le, ngoại lệ mà Luật không thể điều chỉnh hết được. Chính vì vậy, tôi cho rằng các cơ quan ban ngành có liên quan cần cho người dân một khoảng thời gian để xử lý đối với trường hợp của mình thay vì bị áp dụng ngay quy định mà đến thời điểm xử phạt, người dân cũng không hiểu mình bị phạt vì lý do gì.

    -Đại diện Cục CSGT cho biết, với những xe máy điện sử dụng từ 1/7/2009 đến nay mà không đầy đủ giấy tờ như không có hóa đơn mua hàng, không có chứng từ về kiểm tra chất lượng (với xe nhập khẩu), không có phiếu kiểu tra chất lượng (với xe lắp ráp trong nước) thì không được cấp đăng ký. Liệu như vậy có phải làm khó người dân hay không?

    Mặc dù quy định này đã được đề cập trong Luật từ năm 2009, tuy nhiên lại không được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, do đó mà bản thân người bán, người sử dụng còn không phân biệt được thế nào là xe máy điện, thế nào là xe đạp điện chứ đừng nói đến chuyện đăng ký xe. Hơn nữa, chính do lỗi “không biết” quy định của luật mà người dân, người bán xe còn không bận tâm tới việc xe đó có giấy tờ nhập khẩu, có phiếu kiểm tra chất lượng không mà chỉ quan tâm đến hóa đơn bán hàng của cửa hàng nơi bán xe. Vậy nhưng theo quy định tại Điều 7 thông tư 15/2014/TT-BCA quy định Hồ sơ đăng ký xe phải bao gồm: Giấy khai đăng ký xe; Giấy tờ của chủ xe; Giấy tờ của xe.

    Trong đó, giấy tờ của xe yêu cầu phải có “chứng từ nguồn gốc của xe” (khoản 3 Điều 10 TT 15/2014), bao gồm Chứng từ nguồn gốc của xe; Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu);

    Đây đúng là yêu cầu “khó khăn” đối với người dân, đối với một số trường hợp đã mua xe lâu ngày, hóa đơn bán hàng người dân cũng không còn giữ nữa và cũng không có giấy chứng nhận chất lượng an toàn, phiếu kiểm tra chất lượng xe do không được người bán hàng cung cấp. Như vậy, rõ ràng là xe mua hợp pháp mà người dân lại không được đăng ký thì thật thiệt thòi cho dân. Vì vậy, cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng người dân mua xe hợp pháp nhưng đã bị mất giấy tờ hoặc không lấy giấy tờ của xe khi mua để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

    Thời gian đầu chỉ nên nhắc nhở, chưa xử phạt

    Theo Luật sư  Vũ Tiến Vinh, Giám đốc công ty luật Bảo An, thông tư 15 của Bộ Công an quy định về việc đăng ký sở hữu cho các phương tiện giao thông nói chung trong đó có cả xe máy điện.

    Đối với các phương tiện như ô-tô, mô-tô, xe máy thì người dân đã ý thức được việc đăng ký xe cũng như đăng ký khi chuyển nhượng nên những quy định mới trong Thông tư 15 không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Tuy nhiên, đối với xe máy điện thì quy định này là hoàn toàn mới, cần phải có thời gian tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm được.

    "Việc quy định bắt đầu áp dụng từ ngày 1/6 này theo tôi là vội vàng bởi với thời gian quá ngắn như vậy thì các chủ phương tiện xe máy điện không thể đăng ký kịp. Điều này sẽ dẫn đến việc người dân không muốn nhưng vô tình thành vi phạm. Hơn nữa, ở các thành phố lớn có số lượng xe máy điện lớn thì tôi e rằng chính bản thân cơ quan đăng ký cũng có thể bị quá tải do lượng người đến đăng ký tăng đột biến. Do vậy, theo tôi Bộ Công an cần có quy định cụ thể trong khoảng thời gian đầu (có thể là nửa cuối năm 2014) chỉ nhắc nhở các phương tiện vi phạm. Hết thời hạn này mới tiến hành xử phạt theo quy định thì sẽ có tính khả thi cao hơn, người dân khi đó sẽ “tâm phục, khẩu phục”, Luật sư Vũ Tiến Vinh nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-phat-xe-may-dien-khong-dang-ky-can-cho-dan-them-thoi-gian-a34983.html
    Xe đạp điện sẽ được cấp biển số?

    Xe đạp điện sẽ được cấp biển số?

    Ở Hà Nội không thiếu những người điều khiển xe đạp điện phóng tốc độ cao lạng lách, đánh võng và luôn sẵn sàng vượt đèn đỏ. Nhiều người đi đường thậm chí thấy xe đạp điện do những thanh niên trẻ điều khiển đã vội nép từ xa.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Xe đạp điện sẽ được cấp biển số?

    Xe đạp điện sẽ được cấp biển số?

    Ở Hà Nội không thiếu những người điều khiển xe đạp điện phóng tốc độ cao lạng lách, đánh võng và luôn sẵn sàng vượt đèn đỏ. Nhiều người đi đường thậm chí thấy xe đạp điện do những thanh niên trẻ điều khiển đã vội nép từ xa.