(ĐSPL) - Những hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào? Nếu muốn nộp đơn tố cáo các hành vi bạo lực đó thì phải gửi đơn đến cơ quan nào?
Theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì các hành vi bạo lực gia đình gồm:
- Hành vi bạo hành thể xác: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác;
- Hành vi bạo hành tình dục: cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Hành vi bạo hành tinh thần: lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây ra những hậu quả nghiêm trọng;
- Hành vi bạo hành khác: cưỡng ép thành viên trong gia đình tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của thành viên trong gia đình; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; ...
Xử phạt trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình - Ảnh minh họa. |
Với mỗi hành vi bạo lực nêu trên thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu hành vi bạo lực chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng, tương ứng với từng hành vi được quy định trong Mục 4 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 104); tội hành hạ người khác (Điều 110);… Theo đó, hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.
Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý hành vi bạo lực gia đình: hiện nay pháp luật quy định khá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ những nạn nhận của hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, có thể khiếu nại hoặc tố cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Uỷ ban nhân dân hoặc Công an để yêu cầu các cơ quan này xử lý đối với hành vi vi phạm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Bên cạnh đó, cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp xã công bố để được tư vấn, hỗ trợ khi bị xâm phạm quyền lợi.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]hQiqqdGMtE[/mecloud]