(ĐSPL) – Sở Y tế Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà thuốc Nhật Quang về các hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không lập sổ theo dõi…, tổng mức phạt là 49.985.000 đồng.
Sau loạt bài điều tra “Đột nhập lò thuốc tây nghi bán thuốc “dởm” giữa Hà thành” của Báo Đời sống và Pháp luật phản ánh về việc, nhà thuốc Nhật Quang (địa chỉ tại số 53, Văn Miếu – Đống Đa – Hà Nội) có dấu hiệu bán thuốc hết visa, thuốc dởm, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được đăng tải Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh tra nhà thuốc Nhật Quang.
Nhà thuốc Nhật Quang. |
Tại thời điểm kiểm tra, thanh tra phát hiện nhà thuốc chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ của một số mặt hàng thuốc. Sổ sách không ghi chép đầy đủ hoạt động xuất, nhập thuốc theo quy định. Ngoài ra chủ nhà thuốc cũng thừa nhận việc bán thuốc xách tay cho khách hàng.
Căn cứ vào các vi phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà thuốc Nhật Quang về các hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện mở sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc theo qui định của pháp luật, để lẫn các sản phẩm không phải thuốc cùng với thuốc. Tổng số tiền phạt là 49.985.000 đồng.
Cụ thể, ngày 29/1/2015, ông Nguyễn Văn Đức – Phó tránh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kí ban hành quyết định Số 16/QĐ – XPVPHC áp dụng xử phạt hành chính đối với nhà thuốc Nhật Quang do ông Dương Nhật Quang – Dược sĩ đại học làm chủ.
Quyết định nêu rõ: Nhà thuốc Nhật Quang đã vi phạm điểm b, khoản 1, điều 42 Nghị định 176/2013 NĐ-CP với hành vi để sản phẩm không phải thuốc cùng với thuốc. Mức phạt là 750 ngàn đồng.
Vi phạm điểm c, khoản 1, điều 37 Nghị định 176/2013 NĐ-CP về hành vi không mở sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc theo qui định pháp luật. Mức phạt 4 triệu đồng.
Vi phạm điểm c, khoản 6, điều 40 Nghị định 176/2013 NĐ-CP về hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mức phạt 45 triệu đồng. Ngoài ra thu lại số tiền bán thuốc là 235 ngàn đồng.
Theo quyết định này, hành vi vi phạm trên do nhân viên nhà thuốc tự ý làm không báo cáo chủ nhà thuốc. Dược sĩ chủ nhà thuốc và nhân viên Nguyễn Thị Phương Lan đã thành khẩn khai báo về hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng ít nên không áp dụng mức phạt bổ sung.
Trước đó, nhà thuốc Nhật Quang cũng đã thừa nhận: “Vào ngày 22/12/2014, có một chị khách quen mang 2 vỉ thuốc từ Pháp về do chị ấy không dùng hết nên gửi nhân viên nhà thuốc bán hộ. Lỗi do tôi không quản lý sát sao nên nhân viên đã nhận và bán cho khách (là PV). Sự việc đã rõ và tôi đã tìm hiểu 2 loại thuốc đó được lưu hành tại Pháp”.
Phản hồi thừa nhận bán hàng "xách tay" của nhà thuốc Nhật Quang. |
Liên quan đến sự việc, nhiều người dân lo lắng đặt câu hỏi, liệu trong thời gian tới ai dám đảm bảo những nhân viên này sẽ không tiếp tục nhận bán thuốc xách tay cho người dân? Và khi đó nếu xảy ra sự việc đáng tiếc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước tính mạng người dân?
Được biết, vừa qua Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị: UBND các tỉnh, Tổng Cục Hải quan về việc tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, hàng giả lĩnh vực y tế.
Nguyên nhân do là bởi thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả , hàng nhái và hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế diễn biến phức tạp.
Trong đó, phổ biến nhất là nhóm mặt hàng mỹ phẩm, hương liệu thực phẩm, thực phẩm chức năng... Những mặt hàng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường cạnh tranh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị Tổng cục Hải quan sớm thông tin kịp thời về nhóm mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế có tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.