(ĐSPL) - Do sản xuất, cung cấp chất tạo nạc trong chăn nuôi heo, một cơ sở ở TP HCM vừa bị xử phạt hành chính 442 triệu đồng, đình chỉ tạm thời 1 tháng.
Theo kết quả từ Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chức năng đã tiến hành một cuộc thanh tra đột xuất, xác minh và xử lý chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, TP HCM. Theo đó, phát hiện Công ty Khoa Nguyên (TP HCM) sản xuất, cung cấp 15 loại thuốc thú y không có trong danh mục cho phép. Đơn vị này bị xử phạt hành chính 442 triệu đồng và tạm ngừng hoạt động trong 1 tháng.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP HCM, 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan này phát hiện 31/227 mẫu heo giết mổ dương tính với hàm lượng cao 80-1.300 ppb TH (chất tạo nạc). 7 thương lái vi phạm đã bị xử lý. Ông Hoàng Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, sau khi kiểm tra 2.000 trang trại, phát hiện 14 đơn vị có heo dương tính với Sbutamol. Hiện các đơn vị trên đã bị xử lý theo quy định.
Theo ông Đạo, một số cá nhân, thương lái đã thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi thu mua heo đã xuất chuồng để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian 10-30 ngày sẽ tăng trọng 20-30 kg. Trung bình một con heo xuất chồng nặng 130-140 kg, trừ chi phí, mỗi con sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Đáng chú ý, hiện nay, một số loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung Premix có chứa chất cấm cũng được đưa xuống bán trực tiếp cho các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến tình trạng heo không an toàn thực phẩm phổ biến hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chất tạo nạc gia tăng trong chăn nuôi do áp lực giá heo tăng cao. Bên cạnh đó, thương lái muốn ép người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng chất cấm để tăng tỷ lệ nạc, hấp dẫn người tiêu dùng, thu lợi cao.
"Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất rất đáng báo động. Cơ quan chức năng cần lên án và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm, tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân", ông Dương cho hay.
"Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất rất đáng báo động. Cơ quan chức năng cần lên án và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm, tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân", ông Dương cho hay. |
Chất “tạo nạc” rất hại cho người!
Những chất tạo nạc gồm có: salbutamol, clenbuterol, ractopamin. Đó là những chất gì?
Salbutamol, clenbuterol, ractopamin là hóa chất hoàn toàn được tổng hợp thuộc nhóm chủ vận bêta (bêta-agonist), tức có tác dụng kích thích thụ thể bêta làm giãn cơ trơn phế quản, do đó có thuốc được dùng làm thuốc giãn phế quản, điều trị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ làm cho người bệnh thở dễ dàng hơn.
Hiện nay chỉ có salbutamol được dùng làm thuốc cho người, còn clenbutarol và ractopamin từ lâu không còn dùng cho người nữa mà chỉ dùng trong thú y. Trong một thời gian khá lâu, clenbuterol được dùng làm thuốc giãn phế quản trị bệnh cho heo. Nhưng sau đó, người ta bắt đầu ghi nhận tác dụng làm tăng cơ, tạo nạc của clenbuterol và cả ractopamin đối với thú nuôi. Thậm chí, người ta đã tiến hành những công trình nghiên cứu về tác dụng này như công trình “Nghiên cứu tác dụng làm tăng cân của clenbuterol đối với cừu” được thực hiện tại khoa thú y của trường đại học bang Oklahoma (Mỹ) vào năm 1991. Không những thế, đã có những vận động viên thể thao dùng clenbuterol với hy vọng tăng khối lượng cơ nhằm đạt thành tích cao trong thi đấu và làm cho nhịp tim, nhịp thở tốt hơn.
Đối với heo, salbutamol, clenbuterol, ractopamin có thể giúp nuôi mau lớn, giúp chuyển hóa làm tiêu mỡ, giúp tăng khối lượng cơ (gọi là “siêu nạc”, tức có nhiều thịt nạc hơn so với bình thường), làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng tác hại gây ra khó lường hết được. Vì liều lượng dùng các chất tạo nạc trong chăn nuôi không lường được, nếu trộn vào thức ăn chăn nuôi bừa bãi không khác nào đầu độc cho người, nếu người dùng thịt heo bị nhiễm sẽ có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc. Do là chất chủ vận bêta nên 3 chất vừa kể đều có tác dụng phụ có hại nghiêm trọng như gây hội chứng ngộ độc (cho heo và cả cho người ăn thịt heo chứa chất tạo nạc): tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, rối loạn tiêu hóa, gây nhiễm trùng hô hấp… Hiện nay, cả 3 chất tạo nạc này đều bị cấm dùng để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Nhân đây cũng cần báo động về việc trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm những chất khác như kháng sinh, thuốc an thần dùng cho heo hoàn toàn không vì lý do trị bệnh mà chỉ vì mục đích thúc cho mau lớn. “Đề kháng kháng sinh” là vấn nạn của cả thế giới, xuất phát phần lớn từ việc sử dụng bừa bãi kháng sinh trong chăn nuôi. Còn việc chích thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ (chỉ để heo không bị kích động, giãy giụa gây sụt cân) là việc làm hết sức nguy hiểm bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể sống và gây hại nghiêm trọng cho người.
Ngọc Anh(Tổng hợp)