Ngày 13/8, Thông tin từ Cơ quan Công an phường Thịnh Quang, các đơn vị nghiệp vụ Công an quận Đống Đa cho biết đang tiến hành điều tra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến ít nhất 8 người bị thương ở cây xăng đường Láng. Qua kiểm tra, bước đầu tài xế điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn.
Trước đó, vào khoảng 21h55 ngày 12/8, chiếc xe 4 chỗ, biển kiểm soát 30H-75803 do tài xế Ngô Công Hán (SN 1987, quê quán Bắc Ninh, hiện trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển đã bất ngờ lao thẳng vào cây xăng ở đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, đâm hàng loạt xe máy và nhân viên cây xăng đang đứng chờ đổ xăng, khiến ít nhất 8 người (trong đó có 2 nhân viên cây xăng) bị thương nặng.
Tại hiện trường, các phương tiện bị ủi bay nhiều mét, hư hỏng nặng, nhiều người bị thương nặng.
Ngay khi tiếp nhận thông tin vụ vụ, Công an phường Thịnh Quang, các đơn vị nghiệp vụ Công an quận Đống Đa đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, tổ chức bảo vệ hiện trường, phối hợp với người dân đưa các nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Nêu quan điểm về vụ việc việc, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Trong những năm gần đây, ngành rượu, bia, đồ uống có cồn ở nước ta đang rất phát triển với tốc độ gia tăng nhanh về sản lượng qua các năm. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn từ rượu nên nguy cơ tác hại do sử dụng bia cũng ngày càng gia tăng, bên cạnh đó việc sử dụng rượu, bia quá nhiều sẽ có những tác hại vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến tinh thần, thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, biết bao hệ luỵ xảy ra từ tác hại của rượu, bia.
Để ngăn chặn cũng như có những biện pháp phòng ngừa những tình trạng này, pháp luật Việt Nam đã đưa ra những quy định được đúc kết trong Luật phòng chống, tác hại của rượu, bia.
Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt và lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.
“Luật nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa ý thức được hành vi uống rượu bia và sử dụng phương tiện. Chính vì vậy mà nhiều tai nạn đáng tiếc vẫn diễn ra, gây nhiều hậu quả thương tâm”, Luật sư Bình phát biểu.
Về chế tài xử phạt hành vi vi phạm, Luật sư Bình cho biết: Theo quy định tại Nghị định 123/2021 sửa đổi Nghị định 100/2019 vừa được Chính phủ ban hành giữ nguyên mức phạt đối với hành vi uống rượu, bia tham gia giao thông.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Đối với vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến ít nhất 8 người bị thương ở cây xăng đường Láng vừa xảy ra, Cơ quan Công an sẽ tiến hành điều tra để tìm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, theo thông tin qua kiểm tra, bước đầu tài xế điều khiển xe ô tô đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/lít khí thở.
Chiều theo quy định pháp luật, Luật sư Bình cho hay: Theo Điều 260, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
"1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;...".
Giả sử, trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 08 người này mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên thì có thể tài xế bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Trước những hệ luỵ khôn lường do người điều khiển phương tiện sau khi dùng rượu, bia gây ra, mỗi người dân cần ý thức được sự sống phía trước và sau tay lái là vô cùng quý giá để không gây ra thảm kịch cho gia đình, xã hội chỉ vì một phút bốc đồng quá chén”. Luật sư Bình khuyến cáo.
T.V