+Aa-
    Zalo

    Xử 6 cựu quan chức đường sắt: "Không nhớ hưởng lợi bao nhiêu"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhận tiền “lót tay” lên tới 11 tỉ đồng trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, 6 cựu quan chức ngành đường sắt sẽ ra hầu tòa ngày 26/10.

    (ĐSPL) - Nhận tiền “lót tay” lên tới 11 tỉ đồng trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), 6 cựu quan chức ngành đường sắt sẽ phải ra tòa trong 2 ngày 26 và 27/10.

    Ngày 26/10, TAND Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử vụ án Trần Quốc Đông và 5 đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm. Chủ toạ là ông Trương Việt Toàn.

    Theo tin từ báo Tiền phong, được hỏi về khoản tiền cụ thể nhận từ phía nhà thầu Nhật Bản (JTC), bị cáo Phạm Hải Bằng (cựu Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Chủ nhiệm dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1, Tổng cty đường sắt Việt Nam) liên tục nói: “Bị cáo không nhớ”.

    Trước đó, 8h50, chủ toạ - thẩm phán Trương Việt Toàn công bố đưa vụ án ra xét xử và kiểm tra căn cước các bị cáo. Phiên xử bắt đầu muộn hơn so với dự kiến, mặc dù các bị cáo được áp giải đến khá sớm.

    HĐXX bắt đầu phần thẩm vấn các bị cáo. Bị xác định là người chủ động gợi ý khoản chi phí “hội hè” 11 tỷ đồng từ JTC, bị cáo Bằng được chủ toạ gọi thẩm vấn đầu tiên.

    Bị cáo Bằng khai, việc cơ quan kiểm sát truy tố tội danh mình là đúng pháp luật, thừa nhận vị trí “số 1” của mình trong dự án đường sắt đô thị. Với thái độ bình tĩnh, Bằng chậm rãi khai nhận từng câu hỏi từ phía chủ toạ phiên toà.

    Theo lời khai của Bằng, đoạn đường trong dự án phải thi công lên đến 28km, từ Yên Viên (huyện Gia Lâm) đến Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Nhà thầu tư vấn Nhật Bản được xác định là liên danh, cùng 4 nhà đầu tư khác cùng tham gia dự án. Cũng theo cựu Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), phía JTC sẽ đảm nhiệm tư vấn kỹ thuật cho toàn tuyến đường sắt nói trên.

    Tập trung vào khoản tiền 11 tỷ đồng, chủ toạ bắt đầu đặt câu hỏi: “Tất cả chi phí, hội trường… theo quy định, ai phải chịu trách nhiệm. Bị cáo Bằng cho rằng, do JTC đảm trách, trên cơ sở tự nguyện. “Không, tôi đang hỏi về nguyên tắc, các nhà thầu có phải bỏ ra khoản tiền đó không? – thẩm phán Toàn làm rõ câu hỏi. “Dạ thưa, về nguyên tắc, các nhà thầu không phải bỏ ra các chi phí đó” – bị cáo Bằng đáp.

    “Vậy tại sao ngày ký hợp đồng, phía JTC lại chuyển cho một khoản tiền như vậy?” – chủ toạ hỏi. Một lần nữa, bị cáo Bằng lại trả lời lòng vòng, cho rằng đây là một dự án lớn, chưa có tiền lệ ứng xử.

    Cũng theo cựu Chủ nhiệm dự án, khoản tiền “hội hè” do nhà thầu JTC chủ động đề cập. Nói về khoản tiền cụ thể, Bằng khai đã uỷ quyền lại cho Phạm Quang Duy (cựu Phó RPMU).

    “Bị cáo chỉ biết phía JTC sẽ chi một khoản tiền, nhưng cụ thể bao nhiêu bị cáo không rõ”. “Riêng bị cáo, bị cáo nhận bao nhiêu?”. “Dạ, bị cáo không nhớ” – ông Bằng nói.

    Các bị cáo trong phiên xử. Ảnh:  Tiền phong

    Liên quan đến vụ việc, nguồn tin từ báo Infonet cũng cho biết, sau bị cáo Bằng, tòa xét hỏi bị cáo Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU). Tại cơ quan điều tra, Thái đã khai, nhận khoảng 4,4 tỉ đồng tiền có nguồn gốc từ JTC. Khi tiếp nhận tiền, Thái thực hiện theo chỉ đạo của Bằng để sử dụng chi phí cho dự án như: tiếp khách, đối ngoại… một phần chuyển phòng Dự án 3 để chi phí chung cho các hoạt động như: thưởng lễ, tết, chi nghỉ mát, chi cho đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ….

    Việc nhận, sử dụng số tiền có nguồn gốc của JTC như đã nêu trên, Thái lập bảng Excel trên máy tính theo dõi, nhưng mỗi lần báo cáo chốt số liệu chi tiêu với Phạm Hải Bằng thì Thái lại xoá các file này. Nhưng sau đó, Thái lại khai chỉ nhận được 3,4 tỉ đồng và đã chi, sử dụng hết.

    HĐXX hỏi bị cáo Nam Thái có nhận tiền từ JTC không? Bị cáo Thái trả lời là không. Tuy nhiên, khi HĐXX nói tại sao ở cơ quan điều tra bị cáo khai là có nhận thì bị cáo Thái lấy lý do và trình bày vòng vo, không trả lời vào câu hỏi. Theo Thái, anh ta nhận tiền từ bị cáo Đông, không nhận trực tiếp từ phía Nhật Bản.

    Bị cáo Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) trả lời thẩm vấn của chủ tọa. Duy thừa nhận hành vi chung là đúng và thừa nhận "bản thân bị cáo co cái sai".

    Duy khai nhận tiền ba lần, tổng số khoảng 2,2 tỷ đồng. Khoản tiền đó bị cáo chi chung cho hoạt động của dự án như hội họp, thưởng tết cho cán bộ dự án, tham quan, nghỉ mát, công đoàn, thanh niên…

    Tới phần tòa thẩm vấn Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU). Bị cáo Lục cho rằng điều tra viên có khi ghi lời khai không chính xác. Theo bị cáo, trong quá trình ký hợp đồng có khoản chi phí hội họp, hội thảo để tiến hành hợp đồng, dự án nào cũng thế cả.

    Còn bị cáo Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên giám đốc RPMU, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN) cho rằng mình không lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

    Theo bị cáo Bằng, dịp tết, khi bị cáo Bằng đưa cho bị cáo 30 triệu đồng, bị cáo nghĩ phong tục người Việt Nam, thực tế cuộc sống thì việc người thân quen có biếu quà nhau là phổ biến nên bị cáo nhận, không suy nghĩ gì.

    Trước ngày mở phiên xử 6 cựu quan chức đường sắt bị cáo buộc nhận “lại quả” 11 tỷ đồng của nhà thầu Nhật Bản, 4 bị can đã bị tạm giam. Lệnh tạm giam được TAND Hà Nội đưa ra với các bị can gồm Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt – RPMU, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU). Các bị can bị tạm giam để đảm bảo cho công tác tổ chức phiên xử.

    Bốn ông Lục, Đông, Hiếu, Duy cùng với hai bị can khác Phạm Hải Bằng (56 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU), bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Điều 281, khoản 3, với mức án cao nhất là 15 năm.

    Các bị cáo có 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Theo thông báo, dự kiến phiên xử sẽ diễn ra trong hai ngày (ngày 26 và 27/10).

    Liên quan đến vụ việc, nguồn tin từ báo VOV cũng cho biết, cáo trạng thể hiện cuối năm 2008, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 và Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án tuyến số 1.

    Đầu năm 2009, Tổ chuyên gia đấu thầu gọi thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật của Dự án tuyến số 1 do Phạm Hải Bằng – Tổ trưởng được thành lập.

    Đầu tháng 9/2009, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với Liên doanh do JTC đứng đầu. Tổng giá trị của hợp đồng tư vấn này là hơn 2,9 tỷ Yên Nhật và 320 tỷ VNĐ.

    Số tiền chi trả hợp đồng này sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam theo Hiệp định vay JICA lần 1 với giá trị 4.683 tỷ Yên

    Sau khi hợp đồng tư vấn được ký kết thì công việc được triển khai từ tháng 10/2009. Tuy nhiên, khối lượng công việc phát sinh nên nhà thầu Nhật Bản đề xuất thay đổi một số nội dung của dự án để phù hợp với thực tế của Việt Nam. Việc điều chỉnh hợp đồng khiến giá trị tiền tư vấn tăng 7.68\%.

    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Phạm Hải Bằng “kêu” việc chi phí triển khai thực hiện dự án RPMU gặp nhiều khó khăn. Để hợp đồng tư vấn được thuận lợi, JTC buộc phải “lót tay” 11 tỷ đồng.

    Số tiền này, Bằng giao cho thuộc cấp là Phạm Quang Duy – cựu Phó giám đốc ban quản lý các dự án đường sắt và Nguyễn Nam Thái – cựu trưởng phòng thực hiện dự án nhận tiền từ JTC.

    Theo lời khai của Thái, khoảng Tết âm lịch năm 2013, anh ta đã trực tiếp nhận của ông Shimada – Qyền trưởng phòng phát triển bộ phận quốc tế của JTC số tiền 2 triệu Yên Nhật. Ngoài ra, Thái chủ yếu nhận tiền từ Phạm Hải Bằng đưa cho, mỗi lần khoảng 200-300 triệu đồng.

    Còn Phạm Quang Duy vào khoảng tháng 8/2009 đã tiếp nhận 3 triệu Yên Nhật từ ông Takagi – Trưởng văn phòng JTC tại Việt Nam với lý do tổ chức lễ ký kết hợp đồng với liên doanh nhà thầu.

    Ngoài ra, Duy còn tiếp nhận số tiền có nguồn gốc “lót tay” của JTC từ Phạm Hải Bằng với tổng số lên đến hơn 2,2 tỷ đồng.

    Còn đối với Phạm Hải Bằng, ông ta đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái lần nhận tiền của JTC hoặc trực tiếp nhận tiền. Tổng số tiền quy đổi từ Yên Nhật sang VNĐ là 11 tỷ đồng.

    HẠNH VŨ(Tổng hợp)

    [mecloud]ob6fmUNhNb[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-6-cuu-quan-chuc-duong-sat-khong-nho-huong-loi-bao-nhieu-a116456.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.