(ĐSPL) – Một thiếu nữ 17 tuổi người Campuchia cho biết trinh tiết của cô đã bị chính người mẹ ruột bán cho một người đàn ông khi cô bé mới 12 tuổi.
Thiếu nữ Dara Keo, 17 tuổi, kể lại rằng, mẹ cô – bà Rotana bán trinh tiết của con gái cho một "người đàn ông cao to giàu có" để lấy tiền trả món nợ cờ bạc cho người chồng quá cố của bà.
Dara Keo, 17 tuổi, bị mẹ bán trinh tiết năm 12 tuổi. |
“Chủ nợ của chồng tôi đã đến đe dọa bằng bạo lực khi tôi nói không thể trả tiền cho họ”, bà Rotana, 62 tuổi, giải thích. “Sự sợ hãi và lo lắng về các khoản nợ đã làm tôi sinh bệnh. Cuối cùng, tôi đã phải bán trinh tiết của con gái”.
Tại Campuchia, theo nền văn hóa Taoist xa xưa, người ta tin rằng việc quan hệ tình dục với trinh nữ có thể kéo dài tuổi thọ. Vì vậy, các cô gái còn trinh được bán với “giá khá hời”.
Đầu tiên, Keo được đưa đến một bác sĩ kiểm tra để đảm bảo màng trinh của cô vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều người lo ngại gặp phải những phụ nữ thường vá màng trinh để bán lại nhiều lần.
Sau đó, Keo được đưa đến chỗ người đàn ông đã mua "cái ngàn vàng" của cô. "Tôi đã phải ở lại với ông ta trong một tuần. Ông ta đã hãm hiếp tôi nhiều lần mà không dùng bao cao su”, Keo nhớ lại.
Người mua trinh tiết của Keo là một chính trị gia khá danh tiếng ở Campuchia. Tuy nhiên, cô và mẹ cô từ chối tiết lộ danh tính của người này.
Ông ta giam giữ Keo trong một căn phòng khách sạn trong một tuần và tới thăm cô hai lần hoặc thậm chí 3 lần một ngày để quan hệ tình dục. "Ông ấy rất khỏe", cô nói và nhớ lại nỗi đau “dữ dội” khi phục vụ ông ta.
Sau một tuần đó, Keo đã bị rách ở vùng kín và có nhiều vết bầm tím trên người. Cô phải chịu đựng đau đớn mỗi khi đi lại hoặc đi tiểu trong suốt 2 tuần sau đó. Keo chỉ là một trong hàng ngàn cô gái Campuchia bị bán trinh mỗi năm.
Các gia đình nghèo thường nhận được khoảng 1.500 USD khi bán trinh tiết của con gái. Số tiền đó tương đương với 4 năm tiền lương của họ. Tuy nhiên, trong lúc tuyệt vọng, bà Rotana đã chấp nhận bán trinh tiết của con gái với giá chỉ 500 USD.
Dù bị chấn thương đau đớn khắp người nhưng Keo nói điều duy nhất mà cô cảm thấy là “nỗi buồn” về những gì xảy ra với cô.
“Ở Campuchia, trẻ em thường sống vì lợi ích của cha mẹ”, Nget Thy, Giám đốc điều hành của Trung tâm Bảo vệ Quyền trẻ em Campuchia cho biết.
"Trẻ em có bổn phận phải đền đáp công ơn cha mẹ đã nuôi nấng họ khôn lớn", ông Nget nói thêm. "Khái niệm về quyền trẻ em dường như không được coi trọng".