+Aa-
    Zalo

    Xóm bãi giữa Sông Hồng tiêu điều sau những ngày xả lũ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đối lập với mặt khác của Hà Nội tấp nập, phồn hoa còn có một thế giới khác tiêu điều, nghèo khó với những phận đời, phận người lênh đênh.

    Đối lập với mặt khác của Hà Nội tấp nập, phồn hoa còn có một thế giới khác tiêu điều, nghèo khó với những phận đời, phận người lênh đênh.

    Xóm chài nghèo ven sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) tổng cộng có 28 hộ gia đình, hơn 100 nhân khẩu. Gần 30 năm nay, họ phải sống trên những chiếc bè tạm bợ trên sông. Sau khi nhà máy thủy điện mở đợt xả lũ, cuộc sống của những người dân xóm chài nghèo ven sông Hồng phải chịu những ảnh hưởng không hề nhỏ. Lũ đi qua để lại những căn nhà lụp xụp, bấp bênh trên mặt nước, rác và bùn đất quyện lại với nhau lấp hết lối đi, xung quanh bốn bề sông nước là tiếng mọi người í ới gọi nhau sửa cầu, tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng gà gáy...

    xóm chài, cầu Long Biên, sông Hồng

    Xóm chài xơ xác sau cơn lũ

    Bước tiếp quanh xóm chài tôi được một cụ ông dẫn đến gặp cô Nguyễn Thị Hồng-phó trưởng thôn vì ông Được- trưởng thôn có công việc không ở nhà.

    Cô Hồng thật tình chia sẻ: “Bà con hiện giờ gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thốn lương thực, nước sạch, các đồ dùng cần thiết”. Khi được hỏi lúc bão lũ, nước dâng cao, chính quyền có động thái giúp đỡ gì đối với người dân không?

    Cô Hồng thở dài: “Chính quyền có gọi điện ra bảo bà con đi. Bà con từ trước đến giờ sống chung, ở chung, ngủ chung với nhau, bây giờ một hai người mà đi thì không ai muốn đi bởi bà con không ai muốn rời bỏ nơi này cả”.

    xóm chài, cầu Long Biên, sông Hồng

    Một góc xóm chài nép mình ven sông, bên kia bờ là những tòa cao ốc hiện đại

    Người dân ở đây khổ cực tới dưới mức đói nghèo. Để có thể mưu sinh tại nơi sông nước ấy, họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày. Cả cuộc đời họ gắn bó với dòng sông nên không ai muốn rời xa nơi này. Vả lại, nếu dọn đi thì họ sẽ đi về đâu khi không có nhà cửa, đất đai, của cải. Bởi vậy, họ bằng lòng sống trong những ngôi nhà xập xệ nơi bãi giữa nghèo khó, hàng ngày sử dụng nước sinh hoạt đục ngầu lấy từ sông Hồng và sống một cuộc sống thiếu điện và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết.

    Giọng cô Hồng nghẹn lại: “Người dân nơi đây chẳng có ước mơ cao sang gì bởi họ vốn không thể mơ ước”. Họ không thể kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền bởi đa số dân nơi đây đều không có hộ khẩu hay các loại giấy tờ tùy thân . Một căn nhà là ước mơ quá đỗi xa xỉ với họ, cuộc sống của họ vẫn mãi khó khăn, chẳng ai quan tâm, họ chỉ biết sống ngày nào được ngày đó.

    xóm chài, cầu Long Biên, sông Hồng

    Chiếc “cầu” ọp ẹp được người dân bắc tạm để có thể đi từ nhà sang bờ sông

    Ông Mai Hùng-người dân xóm chài cho biết: “Những con người nơi đây dường như đã sống quen với cái khổ cực, cái nghèo đói khi chấp nhận đánh bài liều với cuộc sống bấp bênh trên sông nước. Kể từ sau lũ đến nay không một cơ quan, ban ngành đến hỏi thăm, giúp đỡ chúng tôi".

    May mắn thay, trẻ em ở xóm nghèo này đa số được đi học đầy đủ dẫu cuộc sống của cha mẹ chúng còn muôn vàn khó khăn. Những người dân xóm nghèo có suy nghĩ rất giản đơn: học được cái chữ thì cuộc sống sau này sẽ đỡ vất vả đi đôi chút. Trẻ em dường như là tia sáng lấp ló trong cuộc sống tăm tối nơi xóm chài. Cha mẹ gửi gắm hy vọng vào con cái mình, ông bà mong con cháu sớm được thoát khỏi cuộc sống trôi nổi lam lũ.


    Đối lập với cầu Long Biên già nua, cũ kĩ là cầu Chương Dương hiện đại bên kia sông. Đối lập với những người dân làng chàng nhỏ bé, nghèo khó là cuộc sống phồn hoa nơi thị thành. Hà Nội thanh lịch, duyên dáng như thế cũng có những góc khuất, những nỗi buồn ít ai biết đến.
    Cuộc sống vẫn xoay vần theo vòng quay của tạo hóa.Những phận đời chìm nổi nơi đây như xa lạ với đô thị phồn hoa bên kia sông.
                                                                                                                                                                                                                                                                                       Vân Đan

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xom-bai-giua-song-hong-tieu-dieu-sau-nhung-ngay-xa-lu-a205617.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan